Vẫn mãi ngời sáng một ước mơ và một tâm hồn cao cả

(Bài viết nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Bồi Dưỡng Văn Hóa 218 Lý Tự Trọng)

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, xin gửi đến bạn đọc bài viết này để ngợi ca công đức và tỏ lòng tri ân những người thầy khả kính suốt cả một đời hiến dâng cho sự nghiệp trồng người.

“Nguyện thân tằm dâu xanh nghiền ngấu

Nguyện đời ong nung nấu trăm hoa.”

Tôi đã đọc đi đọc lại hai câu thơ trên nhiều lần mà nghe lòng xúc động lạ thường. Xúc động vì giữa cuộc đời còn đầy dẫy những lừa lọc, bon chen, tính toán này vẫn còn có những con người mà cả một đời chỉ có một ước nguyện duy nhất là suốt đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp dạy dỗ, đào tạo những thế hệ hậu sinh, như con tằm kia suốt đời cứ nhả tơ và con ong cứ kiên nhẫn, ngày lại ngày hút mật từng nhụy hoa… rồi hàng ngàn hoa để dâng bao mật ngọt cho đời. Đó là tâm huyết và ước nguyện của cô Đàm Lê Đức, một trong những người sáng lập ra Trường Bồi Dưỡng Văn Hóa 218 Lý Tự Trọng.

Tác giả bài viết và 3 anh em nhà họ Đàm. Từ trái sang phải: Thầy Đàm Quang Mậu – Cô Đàm Thị Lộc (Cô Cả) – Cô Đàm Lê Đức.

Mới mà đã 20 năm rồi, 25/8/1985 – 25/8/2005. Hai mươi năm, một khoảng thời gian không dài lắm so với dòng thời gian vô thủy vô chung, nhưng không phải là quá ngắn so với một đời người. Đã từng có biết bao lớp học trò trưởng thành từ ngôi trường đặc biệt này, ngày nay trong số đó đã có không ít những nhà khoa học trẻ, nhà kinh tế giỏi với những công trình nổi tiếng trong nước và quốc tế. Một Hồ Thị Cẩm Hoài, tiến sỹ hóa học; một Đàm Huyền Hải, tiến sỹ toán học; một Trần Mạnh Trung, tiến sỹ hóa dầu… Nhưng vượt lên trên tất cả, những người học trò trưởng thành từ “lò 218 Lý Tự Trọng” đã mang trong tâm hồn của họ dấu ấn của những hoài bão và khát vọng lớn lao về đất nước, về nhân dân mình của những bậc thầy mà họ đã được học tập, được truyền thụ từ chính nơi này, đặc biệt của cô Đàm Lê Đức, người sáng lập ngôi trường.

Sắp tới 25/8, kỷ niệm 20 năm thành lập Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, tôi thấy lòng bồi hồi, xao xuyến, cứ muốn viết, muốn nói lên một điều gì đó mà tôi đã cảm nhận về ngôi trường đặc biệt này, về cô Đàm Lê Đức và đặc biệt bốn anh chị em ruột họ Đàm của cô: cô Cả, cô Đức, thầy Mậu, cô Thái, những người đã cùng cô lèo lái con thuyền 218 vượt qua bao bão tố, nhưng tôi thấy mọi ngôn từ đều vô nghĩa so với những kỳ tích lớn lao mà ngôi trường đã để lại cho đời.

Đã có quá nhiều bài báo ca ngợi về những ưu việt của Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, đã có quá nhiều những lời truyền miệng về cái hay cái đẹp của “Trường bà Đức”, Cô giáo Đức thương học trò như thương con, chăm học trò như chăm con… một ngôi trường mà cứ hàng năm đã đưa vào các trường đại học hàng trăm hàng ngàn học trò ưu tú và đỗ toàn các Thủ khoa và Á khoa và gần như trong 20 năm qua, ngành học nào cũng có, từ Khoa học tự nhiên, Bách khoa, cho đến Khoa học xã hội nhân văn, Kinh tế và cả Luật học… Một ngôi trường mà đã làm thay đổi từng mảnh đời, từng số phận của nhiều học trò nghèo, bất hạnh, em nào nghèo khổ không có tiền đóng học phí, cô Đức không những chỉ cho miễn phí mà còn cho tiền ăn hàng tháng và sau khi đậu vào đại học còn cho tiền đóng học phí và cấp học bổng để theo học cho đến khi tốt nghiệp.

Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng và “bà giáo Đức”

Và ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, hầu như những bậc cha mẹ nào quan tâm đến việc học hành của con em mình thì không ai không biết đến Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng và gần như ai cũng nghe tiếng “bà giáo Đức”. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, đằng sau những vinh quang đó là một nỗi gian lao, khó nhọc. Gần như lúc nào cô Đức và tập thể những người sáng lập đều phải làm việc, không có thứ bảy, chủ nhật, không có cả những ngày lễ và gần như lúc nào cũng trăn trở về trường, lớp, về công tác giảng dạy và quản lý và đặc biệt về sự tiến bộ của từng em học sinh. Cũng có không ít những nỗi buồn, phiền lòng, đó là lòng đố kỵ, lời ra tiếng vào. Báo chí hay đả kích việc dạy thêm học thêm và có những kẻ xấu cũng cố tình dèm pha xuyên tạc, rồi bao nhiêu cuộc thanh tra kiểm tra, và muốn hay không muốn Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng cũng bị vơ đũa cả nắm, vàng thau lẫn lộn. Thực ra nếu nhìn nhận một cách chính xác và công bằng, trong 20 năm qua Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng đã có những đóng góp không nhỏ và sự nghiệp giáo dục của thành phố và cả nước. Đúng ra, nên động viên khuyến khích việc dạy thêm học thêm như mô hình 218 Lý Tự Trọng và rất cần nhân rộng mô hình đào tạo này trong xã hội. Nhưng cho dù thế nào, con thuyền 218 vẫn phăng phăng vượt qua giông bão, bởi lẽ, cơ sở nền tảng cho việc sáng lập ra ngôi trường chính là xuất phát từ cái tâm, từ lòng yêu nghề, yêu trẻ và những người sáng lập chỉ muốn hiến dâng cả cuộc đời còn lại cho việc đào tạo cho kỳ được một lớp người ưu tú. Chưa bao giờ họ nhận được một bằng khen, giấy khen nào, chưa bao giờ có một tấm huy chương nào giành cho Trường BDVH 218 và thật ra những người sáng lập ra ngôi trường nào có màng đến những điều đó, họ chỉ biết có thành tâm, đi đến cùng, mục tiêu và lý tưởng cao vời vợi: sự nghiệp trồng người.

Thật hạnh phúc cho tôi khi tôi và một số những đồng nghiệp: anh Nguyễn Hữu Hiền, anh Nguyễn Ngọc Liễn, anh Ngô Thiện, anh Nguyễn Thanh Hương… được làm bạn đồng hành của cô Đức ở Trường BDVH 218 này, đối với hệ luyện thi đại học từ những năm đầu tiên (1985). Lớp học trò luyện thi đại học ngày ấy chỉ vẻn vẹn có 10 em. Một số thầy được Cô mời về giảng dạy đã bỏ cuộc nửa chừng vì họ chê là học trò ít quá, (xưa nay họ quen dạy những lớp đông hàng trăm người) và họ nghĩ rằng khó mà phát triển được và tôi không bao giờ quên ánh mắt đầy lo lắng của Cô trong những ngày đầu khi mà có giáo viên lên lớp chỉ vài ngày rồi bỏ lớp. Vậy mà hàng tháng Cô vẫn chăm chút, lo cho cánh giáo viên chúng tôi rất đầy đủ về tiền thù lao giống như tiền thù lao cho một lớp học đông người, trong những tháng ngày đầu tiên ấy, mỗi lần nhận tiền thù lao giảng dạy từ Cô, tôi khổ tâm lắm, tôi biết Cô đã lo toan, đối phó dữ lắm, Cô đã dành hết cho giáo viên chúng tôi thậm chí đến những đồng bạc cuối cùng. Tôi nói với Cô: “Chị đừng đối với em như thế, vì em biết chị còn phải lo biết bao nhiêu thứ: tiền điện nước, trang thiết bị dạy học, tài liệu học tập,…”

Nhưng Cô không nghe bao giờ. Nhiều lúc tôi đành phải gây áp lực với chị: “nếu chị cứ trả lương cho em nhiều quá như vậy, em sẽ nghỉ dạy thôi”. Và rồi số học sinh ngày càng đông, từ mười em của năm đầu tiên lên đến năm mươi em rồi một trăm em của những năm sau, rồi năm trăm em của 5 năm sau… và rồi hàng ngàn em cho đến bây giờ.

…Bão trời không bạt cánh chim

Yêu đời ta gửi trái tim cho đời

Trường BDVH 218 đã trở thành một hiện tượng lạ giữa thành phố Hồ Chí Minh trong việc tổ chức dạy thêm và học thêm. Về sau, hơn 6 năm sau, vì quá bận bịu với công việc xã hội tôi không còn tiếp tục dạy ở Trường BDVH 218, dầu vậy tôi vẫn dõi theo những hoạt động và phát triển của trường theo năm tháng. Tôi vui mừng vô cùng khi thấy trường càng ngày càng đông học sinh, đi đến đâu, người ta cũng nói tốt về Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, trường “Bà giáo Đức”. Tôi cũng rất tiếc là đã không chia sẻ, gánh vác được với Cô cho trọn tình trọn nghĩa. Thỉnh thoảng vài ba tháng một lần, tôi đến thăm Cô. Lần nào cũng vậy, Cô rất quý tôi, dẫn tôi lên phòng của Cô Cả (người chị ruột của Cô) và ba chị em ngồi tâm sự. Cô kể về công việc, về học trò của mình với niềm say mê. Cô thường đọc cho tôi nghe những bài thơ của Cô sáng tác với chất giọng ấm áp, truyền cảm và đầy lạc quan, chan chứa cả một tình yêu cuộc sống mạnh mẽ và tha thiết:

Bảy mươi tuổi cũng không già

Tóc bạc mà tâm lại trẻ ra

Luyện tài rèn đức cho con trẻ

Chuẩn bị hành trang bay bổng xa

Rồi một lần khác khi tôi vừa mới đến nhà Cô thì Cô lại kéo vào phòng làm việc của Cô và đọc cho tôi nghe về bài thơ của người thầy cũ của Cô vừa mới đề tặng cho Cô còn chưa ráo mực:

Soi gương ta thấy đã già

Soi lòng ta thấy vẫn là thanh niên

Bão trời không bạt cánh chim

Yêu đời ta gửi trái tim cho đời…

Gần như Cô đã quên đi là Cô đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Cả cô Cả cũng vậy, tiếng cười giòn tan, trong và ấm đến lạ kỳ sau những câu thơ tự trào chính mình. Cả hai cô đã cùng đọc cho tôi nghe những bài thơ mà hai chị em đã làm để xướng, họa cho nhau. Những lúc đó, quả thật tôi thấy tâm hồn mình thanh thản lạ thường, cả hai người như truyền đến cho tôi thêm tình yêu cuộc sống và gần như những dằn vặt, lo toan căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của tôi đã biến đi đâu mất hết. Chúng tôi ngồi tâm sự với nhau hàng giờ, kể về những đứa học trò của mình và mỗi khi nhắc đến những đứa học trò có những hoàn cảnh bất hạnh, cả ba chúng tôi đều lặng đi trong nỗi xúc động, dạt dào. Và suốt đời, tôi không bao giờ quên những phút giây, những khoảnh khắc đó. Giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc đó là lòng yêu nghề dạy học và tình thương yêu học trò tha thiết.

Cô Cả, tâm hồn còn lớn hơn, tình yêu nghề, yêu người còn tha thiết hơn

Do thân thiết, gắn bó dần dần tôi hiểu ra rằng đằng sau cô Đàm Lê Đức, chính là cô Cả, người chị ruột của cô. Cô Cả – nhũ danh là Đàm Thị Lộc, năm nay đã ngoài bát tuần, sống có vẻ âm thầm lặng lẽ nhưng tất cả mọi hoạt động của Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng và chiến lược, định hướng phát triển ngôi trường đều do cô Cả chỉ đạo. Cô vốn cũng xuất thân là một nhà giáo và là cựu giáo viên trường Couvent des Oiseaux (Notre dame du Rosaire ở Hà Nội). Do mất mẹ, sau ngày giải phóng được vào miền Nam gặp lại bà chị, cô Đức coi chị mình như Mẹ, gần như lúc nào từ cửa miệng cô Đức cũng nói: “chị mình… chị mình…” và trong những giây phút đó tôi thấy cô Đức thật hồn nhiên và trẻ trung hơn bao giờ. Gần như không có giáo viên nào giảng dạy ở Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng mà cô Cả không biết tên, không có những sự kiện nào ở trường mà Cô không biết đến. Thỉnh thoảng có những giáo viên lớn tuổi được Cô tiếp kiến, đàm đạo. Tôi được may mắn tiếp xúc thường xuyên với Cô. Cô kể cho tôi nghe, thời niên thiếu Cô học tại trường Đồng Khánh – Hà Nội sau này là Trưng Vương – Hà Nội. Năm 1945 Cô sang Pháp với chồng. Chồng Cô là ông Bùi Khoát, tốt nghiệp trường ENA tại Pháp, là Giám đốc Phòng đại diện Ngân hàng Việt Nam ở Paris và năm 1960 về nước, là Chủ sự phòng tài chính của hãng SHELL Việt Nam trước năm 1975. Những ngày tháng 4/1975, những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, các quan chức của chế độ cũ lần lượt ra nước ngoài, vợ chồng Cô quyết tâm không đi. Chồng Cô đã nói với Cô:

“Em à, mình không cần phải đi đâu hết. Cứ ở đây, chế độ nào cũng cần những người có trình độ, có tri thức. Anh được may mắn, được ăn học đến nơi đến chốn, anh phải ở lại tiếp tục làm việc trả nợ cho Tổ quốc, cho nhân dân mình, ai đi thì đi, anh không đi đâu cả. Anh tin rằng những người Cộng sản cũng trọng những con người có kiến thức và kỹ thuật như anh, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí. Em biết không, trong việc ký kết hợp đồng với nước ngoài về khai thác dầu khí, chỉ cần ước lượng sai một tý thôi và chỉ cần một chữ ký thôi là thiệt hại không sao kể xiết… Tất cả những cánh đồng miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long của ta có sản xuất hàng trăm năm cũng không bù lại được em à”. Và thế là vợ chồng Cô thanh thản ở lại Sài Gòn, hòa vào niềm vui lớn của dân tộc và đoàn tụ được với gia đình những người em là cô Đàm Lê Đức, Đàm Quang Mậu, Đàm Thị Thái ở miền Bắc vào. Vài năm sau giải phóng, chồng Cô bị bạo bệnh qua đời. Kể từ đó Cô dành hết tình cảm cho các em, các cháu. Cô là linh hồn của gia đình họ Đàm, của Đàm Gia Trang bây giờ. Trong sự thành công và phát triển của Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, không thể không nhắc đến công lao to lớn của Cô. Tôi rất băn khoăn không biết có nên viết những dòng này không? Nhưng cuối cùng tôi nghĩ là phải viết, phải nói ra điều này như là một sự biết ơn của tôi, của cô Đức, của toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh nhiều thế hệ Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng. Nếu như ở cô Đàm Lê Đức có cả một tấm lòng, một niềm say mê nghề nghiệp cháy bỏng thì ở cô Cả, tâm hồn còn lớn hơn, tình yêu nghề, yêu người còn tha thiết hơn. Mỗi lần có dịp được đàm đạo cùng cô Cả, ngồi trước mặt Cô tôi cảm thấy như mình đang ngồi trước một cây đại thụ về nhân cách, về trí tuệ và tâm hồn và tôi cũng cảm thấy mình bé nhỏ vô cùng. Tôi còn nhớ vào những năm 1995 – 1996 cô Cả bị huyết áp nặng, phải nằm một chỗ và không đi lại được, vậy mà lần nào tôi đến thăm Cô, hơi khỏe một chút là Cô lại kể về trường, về lớp, về những học sinh có hoàn cảnh bất hạnh. Rồi Cô kể cho tôi về những kỷ niệm của Cô ở trường Đồng Khánh – Hà Nội ngày xưa. Cô đọc cho tôi nghe những bài thơ hoài niệm về trường xưa mà Cô đã làm trong những ngày hội lớp. Lớn tuổi như vậy mà không năm nào những người bạn đồng môn của Cô tổ chức họp lớp mà Cô không có mặt. Cô còn kể những năm 70 ở Sài Gòn, lúc đó chồng Cô đã là Chủ sự phòng tài chính của hãng SHELL, tuy vật chất không thiếu thốn gì, Cô vẫn có ý định mở một hàng ăn đối diện với hội văn hóa Việt Mỹ để cốt là giới thiệu với người ngoại quốc những món ăn đặc trưng văn hóa Việt Nam. Bởi hồi đó, trước giải phóng vì sợ thất truyền những món ăn cổ truyền miền Bắc như các loại giò gói bằng lá chuối: Giò chữ Vạn, giò chữ Hỷ, giò chữ Thọ, giò hoa sòi, giò trái tim, giò tên người… và nhiều món ăn cao cấp đặc sản của Việt Nam nữa; nhưng không được chồng chấp thuận Cô đành thôi. Cô còn kể cho tôi nghe có lần một ông Việt kiều bạn Cô về nước, đến thăm Cô và nói rằng ông đã đi khắp năm châu bốn biển và thấy rằng món ăn của Tàu là ngon nhất. Cô ức lắm, Cô mời ông bạn đến ăn cơm tại nhà Cô mấy lần và tự tay Cô làm những món ăn thuần túy Việt Nam để thết khách. Sau vài lần ăn cơm ở nhà Cô, ông khách đó nói với Cô: “Bây giờ tôi mới biết món ăn Việt Nam là ngon nhất”. Tôi nghĩ “Làm sao mà Cô có thể có một ý thức sâu sắc về bản sắc văn hóa Việt Nam đến như vậy, quả là nền giáo dục xưa đã đào luyện nên những con người có lòng tự trọng dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn. Họ yêu nước một cách chân thành, không ồn ào, không hô khẩu hiệu và thể hiện trong các tình huống đời thường”.

Những năm đó, cô Đức vô cùng lo lắng và bi quan về sức khỏe của cô Cả nhưng tự nhiên tôi thấy tin tưởng một cách tuyệt đối và mãnh liệt rằng cô Cả sẽ qua khỏi và sống đến trăm tuổi. Tôi tin rằng trời đã sinh ra một con người với một trái tim giàu tình yêu cuộc sống mạnh mẽ, với một tâm hồn và nhân cách lớn lao thì nhất định trời phải cho sống để hành đạo, để cho hàng trăm hàng ngàn học trò được nhờ vào ân đức của Cô, của gia đình họ Đàm. Về sau tôi còn được biết Cô là hậu duệ của cố Lại bộ Thượng thư – tiến sĩ Đàm Thận Huy, một trong 28 người thuộc Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú thi tập đời Lê Thánh Tông, tác giả của câu đối nổi tiếng:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Người học trò của cụ là trạng Me, Nguyễn Giản Thanh đã đối lại:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Những năm sau này do hoàn cảnh riêng gặp nhiều điều kiện không thuận lợi, cứ phải xoay sở đối phó với nhiều thứ, tôi ít có dịp viếng thăm cô Cả hơn. Nhiều lúc nghĩ đến Cô tôi thấy lòng mình quay quắt. Lâu quá không ghé thăm Cô, không đến ngôi nhà 40 Mạc Đĩnh Chi tôi thấy nhớ vô cùng. Và mỗi lần đến đó tôi như được trở về, trở về với lớp học ngày xưa 20 năm về trước của tôi, trở về với những gì hồn nhiên và trong sáng nhất. Hình ảnh từng em học trò hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi, rồi tôi được ngồi tâm sự với Cô, được nhìn thấy Cô vẫn khỏe khoắn và yêu đời tôi thấy lòng thanh thản lạ thường. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng con người sẽ sống không có tuổi khi mà trong tim mình tràn trề một tình yêu cuộc sống và trong tâm hồn mình đầy ắp những mầm thiện và tất cả những điều đó sẽ trở nên vĩnh hằng, bất tử.

Giáo dục không phải là một nghề mà là một sứ mạng …

Các em học sinh ở Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng thương mến,

Thật là diễm phúc cho các em đã được học tại Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng. Chính nơi đây là chiếc nôi cho các em trưởng thành và đi vào đời. Ánh sáng trí tuệ và tâm hồn của cô Cả, cô Đức, của những người sáng lập đã soi sáng và thấm đượm vào tâm hồn các em theo từng năm tháng. Nơi đây các em không chỉ được học về văn hóa, tri thức khoa học mà còn được học về đạo đức làm người, nhân nghĩa, lòng hiếu thảo với cha mẹ, biết ơn thầy cô, lòng nhân ái mà tấm gương sáng chói là cô Cả và cô Đàm Lê Đức.

Nhà sư phạm Xô Viết lỗi lạc Makarenco đã nói: “Giáo dục không phải là một nghề mà là một sứ mạng. Đó là làm cho trí tuệ, tâm hồn và nhân cách của con người càng ngày càng được hoàn thiện hơn”. Tôi đã từng cảm nhận và rung động mạnh mẽ khi đọc được câu danh ngôn này vào những năm đầu đời dạy học và tôi thấy rằng chính cô Đàm Lê Đức và những người sáng lập Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng là nơi thể hiện tư tưởng này rõ nét nhất. Tôi tin chắc rằng trong tâm hồn của cô Cả, cô Đức, trong tâm hồn những người sáng lập Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng sẽ không bao giờ già cỗi và họ không bao giờ mệt mỏi vì họ ý thức được sứ mạng thiêng liêng đó tự bao giờ. Tôi cầu mong cho các Cô được nhiều sức khỏe, để còn đi – đi mãi trong cuộc hành trình bất tận.

Tôi viết những dòng cuối của bài này khi đang đi công tác ở Hà Nội. Chiều hôm qua, tôi và anh Nguyễn Như Ý, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà nghiên cứu Văn học Lê Xuân Lít, ngồi ăn cơm tối, mấy anh rủ tôi đi dạo Hồ Tây vì đêm nay rằm trăng sáng. Tôi từ chối và nói thật với mấy anh là tối nay tôi phải giam mình lại viết cho xong bài viết để kịp gửi đến trường cho cô Đàm Lê Đức. Không ngờ khi nhắc đến cô Đức, anh Ý và anh Lít đều biết rất rõ, các anh ca ngợi hết lời, hai người vừa nhắc đến cô Đàm Lê Đức với công việc dạy học của Cô với lòng kính trọng và đầy cảm phục. Họ nói nhiều về đức độ, lòng yêu nghề và nhân cách của Cô và thành quả của Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng. Tôi ngồi giả vờ như không biết để nghe thử xem các anh nói những gì? Và tôi thực sự sung sướng vô cùng. Tôi nghĩ trong một đời người để nhận được tất cả lòng kính trọng và tình cảm như vậy không phải dễ.

Dù ở gốc biển chân trời nào các em cũng vẫn mãi trong tâm tưởng của tôi

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, tôi viết bài viết này với tất cả lòng kính trọng và biết ơn, với tấm lòng tri ân những người sáng lập ngôi trường, bốn anh chị em ruột họ Đàm. Kính dâng tặng cô Cả, cô Đức và những người anh em của cô, những thầy cô giáo, những người đã lao tâm khổ trí để làm nên những điều kỳ vĩ ở Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, đào tạo được cho xã hội những con người ưu tú. Và tôi cầu mong cho tất cả mọi người được nhiều sức khỏe và an vui để cho từng lớp học trò của mình được thành đạt. Xin gửi đến các đồng nghiệp của tôi đã và đang giảng dạy tại Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng những tình cảm thân thiết của người bạn đồng hành và xin gửi đến tất cả các em học sinh ở Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng tình thương yêu vô vàn của tôi, đặc biệt với những em học sinh cũ của trường đã từng được tôi giảng dạy, cho dù ở góc biển chân trời nào, các em cũng vẫn mãi ở trong tâm tưởng của tôi. Chính vì các em, chính vì những kỷ niệm và tình cảm thiêng liêng ở Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng, chính vì những tâm giao của những người bạn vong niên tri âm, tri kỷ như cô Cả, cô Đức mà tôi đã sống, đã vượt qua những bão tố của cuộc đời và sẽ vươn tới để hoàn thiện hơn bản thân mình, để hoàn thành một cách xuất sắc trách nhiệm của một người thầy.

TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội, 23/6/2005

NGUYỄN THẾ HÙNG