GỬI CÁC NHÀ GIÁO DỤC NHÂN NGÀY KHAI TRƯỜNG 04/09/2007

*Ngày 04 tháng 9 năm 2007*

Quý Bà , Quý Ông ,

Tôi tranh thủ ngày khai trường này, ngày khai trường đầu tiên kể từ khi tôi được bầu làm tổng thống, để viết thư cho các vị.

Tôi muốn nói chuyện với các vị về tương lai con em chúng ta. Tương lai ấy nó đang nằm trong tay mỗi một người của các vị có trách nhiệm dạy dỗ, hướng dẫn, bảo vệ lý trí và tình cảm chưa hình thành đầy đủ, chưa được chín muồi, đang đi tìm mình, đang còn mong manh yếu ớt và dễ bị tổn thương. Các vị có trách nhiệm theo dõi sự phát huy những năng khiếu trí tuệ, tinh thần, đạo đức, và những khả năng thể chất của chúng từ tuổi ấu thơ và suốt tuổi vị thành niên của chúng. Đây là một trong những trách nhiệm nặng nề nhất mà cũng là đẹp đẽ nhất và đáng tự hào nhất.

Giúp cho trí tuệ tình cảm nở hoa và tìm thấy đường đi của mình, hỏi có gì lớn lao tốt đẹp hơn. Nhưng đồng thời cũng có gì khó khăn cho bằng? Bởi bên cạnh niềm tự hào thấy con em mình trưởng thành, tính cách và óc phán đoán của chúng ngày càng đúng đắn vững vàng lên ; bên cạnh cái sung sướng được truyền lại cho chúng những cái mà bản thân mỗi người chúng ta nhận thấy là điều quý giá nhất của mình. Ta vẫn luôn mang nỗi sợ sai lầm, sợ kìm hãm một tài hoa một phút giây phấn khởi, quá nghiêm khắc hoặc quá dễ dãi với con cái mà không hiểu, không thông cảm những tâm tư sâu kín, những vui buồn đang chứa đựng trong lòng cùng những điều mà chúng có khả năng thực hiện.

¬¬¬

Giáo dục tức là tìm cách điều hòa hai động tác ngược chiều nhau: một là động tác giúp cho mỗi đứa trẻ tự tìm lấy con đường của mình; hai là động tác áp đặt cho đứa trẻ thừa nhận cái điều mà bản thân người giáo dục cho là phải , là đẹp , là thật.

Một thái độ đòi hỏi người lớn phải có đối với đứa trẻ đang lớn lên, là không được ngăn cản cá tính của nó phát triển nhưng đồng thời không được buông lơi sự giáo dục. Mỗi đứa trẻ, mỗi con người vị thành niên đều có cách sống, cách tư duy, cách cảm nhận của riêng nó. Nó phải được diễn đạt cái cách riêng đó ra. Nhưng nó cũng phải học.

Đã lâu, người ta không chú ý đến cá tính của trẻ con . Người ta quen thói bắt buộc mỗi đứa được rập vào một cái khuôn duy nhất, tất cả đều phải học cùng một bài, cùng một lúc, cùng một cách như nhau; kiến thức được đặt lên trên hết. Lối giáo dục đó có cái vĩ đại của nó. Nó yêu cầu nhiều, nó nghiêm khắc, nó thúc đẩy lên cao, khích lệ đứa trẻ tự vượt lên trên mình.

Yêu cầu và tình nghiêm túc của lối giáo dục đó đã biến nó thành một nhân tố phát triển xã hội. Tuy nhiên, nhiều trẻ đã quá khốn khổ với nó mà cuối cùng chẳng được hưởng chút lợi lộc gì của nó cả. Không phải vì chúng thiếu tài năng hay vì chúng bất lực trong học tập và trong hiểu biết mà vì tình cảm, trí tuệ, tính cách của chúng không được thoải mái trong cái khuôn khổ duy nhất mà người ta muốn áp đặt tất cả vào.

Như một phản ứng tự nhiên, từ mấy thập niên nay, chính cái cá tính của đứa trẻ được đặt vào trung tâm của giáo dục chứ không phải là kiến thức.

Chú ý coi trọng hơn đến những nét đặc biệt trong cá tính của trẻ, đến cái cách biểu hiện cá tính của chúng, đến tính tình, đến tâm lý của chúng là cần thiết, là bổ ích. Làm sao cho tất cả trẻ con sẵn sàng tự chúng rút ra được cái phần tinh túy nhất của bản thân mình, phát huy được những ưu điểm, khắc phục được những nhược điểm là điều rất quan trọng. Song đánh giá quá cao tính tự phát và quá sợ đụng chạm cưỡng bách nhân cách của chúng, chỉ còn nhìn giáo dục qua lăng kính của tâm lý học, là rơi vào cực đoan. Ngược lại người ta không chú ý đến truyền thụ nữa.

Trước kia rõ ràng là trong giáo dục có quá nhiều văn hóa mà quá ít tự nhiên. Từ nay có thể lại có quá nhiều tự nhiên mà không còn bao nhiêu văn hóa nữa. Trước kia, người ta đặt quá cao sự truyền thụ văn hóa và truyền thụ các giá trị. Từ nay, ngược lại người ta không còn đề cao đúng mức nữa.

Quyền lực của thầy cô giáo do đó bị lung lay. Quyền uy của các phụ huynh và của các tổ chức cũng vậy.

Nền văn hóa chung lâu nay được truyền thụ từ thế hệ này qua thế hệ khác vừa được phát triển phong phú thêm mãi nhờ sự đóng góp dần của mỗi thế hệ ngày nay đã bị khô cằn đến mức độ người ta không có thể nói chuyện với nhau và hiểu biết nhau nữa. Sự thất bại của nhà trường đã đi đến một mức độ không thể chấp nhận.

Sự bất bình đẳng trước kiến thức và trước trình độ văn hóa đã tăng lên trong khi cái xã hội văn hóa ở mọi nơi trên thế giới đang áp đặt lên cái logic các tiêu chuẩn, các yêu cầu của nó. Trẻ con của những gia đình mà cha mẹ không có thể truyền thụ cho con cái những điều gì mà nhà trường không truyền thụ nữa, ngày càng ít có cơ hội tiến thân.

Tuy vậy, muốn tìm cách làm sống lại một thời kỳ hoàng kim của giáo dục, của văn hóa, chưa bao giờ tồn tại, là một chuyện mơ hồ. Mỗi thời đại đều kích thích những ước muốn , những mong chờ đòi hỏi mới phù hợp với nó.

Chúng ta không xây dựng trở lại nhà trường của nền Đệ tam cộng hòa, nhà trường của cha ông chúng ta và cả nhà trường của chính chúng ta nữa. Cái nhiệm vụ chúng ta phải thực hiện là nắm được (và thích nghi với ) nền kinh tế tri thức của cuộc cách mạng tin học.

Nhiệm vụ trước mắt chúng ta là đặt nguyên tắc cơ sở của nền giáo dục thế kỷ XXI , nguyên tắc cơ sở này không còn có thể là những nguyên tắc của hôm qua, càng không phải là của hôm kia.

¬¬¬

Chúng ta muốn con cháu chúng ta sau này trở thành những con người như thế nào? Những phụ nữ và những nam nhi tự do, ham hiểu biết về cái đẹp, cái lớn, có một khối óc và một con tim biết yêu thương, biết tự mình suy nghĩ, biết đi đến với người khác, biết cởi mở với mọi người và cũng có khả năng học được một nghề và sống bằng lao động của chính mình.

Vai trò của chúng ta không phải là để giúp con cái chúng ta cứ mãi mãi là trẻ con cũng không phải để trở thành những đứa trẻ to đầu, mà là giúp chúng trở thành những người lớn , những công dân. Tất thảy chúng ta đều là những nhà giáo dục.

Giáo dục là một việc làm rất khó. Thường thường phải làm đi làm lại từ đầu mới có thể đạt tới mục đích. Không được thoái chí. Đừng bao giờ sợ nhấn mạnh vấn đề. Trong mỗi đứa trẻ, đều có một tiềm lực đòi hỏi phải được khai thác. Mỗi đứa trẻ con đều có một hình thức trí tuệ đòi hỏi phải được phát huy. Phải tìm ra những khả năng tiềm ẩn đó và hiểu rõ chúng. Việc giáo dục vừa là một yêu cầu đối với trẻ con đồng thời vừa là một yêu cầu của người giáo dục đối với bản thân mình .

Mục đích của giáo dục không phải là bằng lòng với một cái mức tối thiểu định trước, cũng không phải là nhấn chìm đứa trẻ vào trong một biển kiến thức quá nhiều khiến cho nó không thể nào có khả năng nắm chắc được một điều gì cả. Mục đích giáo dục là cố gắng cung cấp cho trẻ những kiến thức tối đa mà nó có thể tiếp thu được, xây dựng cho nó cái hứng thú học tập, tính tò mò hiểu biết, mở rộng tầm trí tuệ, mở rộng ý thức phấn đấu của nó càng cao càng hay. Tinh thần tự tin tự trọng phải là động cơ chủ yếu của nền giáo dục đó.

Tạo cho mỗi đứa trẻ, cho mỗi thanh niên đất nước ta cái ý thức tự tin, tự trọng bằng cách làm cho chúng tự tìm thấy được rằng chúng có đủ tài năng để hoàn thành những sự việc mà trước đó chúng không nghĩ rằng mình có thể hoàn thành. Theo ý tôi đây chính là cái triết lý làm bàn đạp cho chúng ta xây dựng lại dự án giáo dục của chúng ta.

Chứng ta phải dành cho con em chúng ta cùng cái tình thương yêu và kính trọng mà chúng ta chờ đợi chúng sẽ dành cho chúng ta sau này. Tình thương và lòng kính trọng mà chúng ta phải dành cho con cái đó đòi hỏi mối quan hệ của chúng ta đối với chúng tuyệt đối không được mang dấu vết nào của hình thức mị dân hay xã kỷ. Bởi chúng ta thương yêu và kính trọng con em chúng ta nên sự giáo dục chúng ta dành cho chúng phải nâng chúng lên cao chứ không phải là hạ chúng xuống thấp. Bởi yêu thương và kính trọng con em chúng ta nên chúng ta không thể chấp nhận buông lỏng tay khi gặp một khó khăn đầu tiên. Không phải vì đứa trẻ không tập trung chú ý, không phải vì nó không học hiểu nhanh, không nhớ bài một cách dễ dàng mà nó phải chịu thiệt thòi không được hưởng cái kho báu học vấn mà thiếu đi thì sẽ không bao giờ nó trở thành một con người thực sự tự do.

Bởi chúng ta thương yêu và kính trọng con em chúng ta , nên chúng ta có bổn phận dạy dỗ cho chúng biết nghiêm khắc đối với bản thân. Chúng ta có bổn phận phải dạy dỗ cho chúng biết rằng không phải mọi cái đều có giá trị như nhau , rằng nền văn minh nào cũng có một hệ thống giá trị làm nền tảng, rằng một em học sinh không ngang hàng với một thầy giáo. Chúng ta có bổn phận dạy cho chúng biết rằng không một người nào có thể sống không kiềm chế và không thể có tự do ngoài kỷ luật. Chúng ta sẽ là loại “người giáo dục” gì nếu chúng ta không dạy cho con em chúng ta biết phân biệt cái tốt với cái xấu, cái có quyền làm và không có quyền làm? Chúng ta sẽ là loại “người giáo dục” gì nếu chúng ta không có khả năng xử phạt con em ta khi chúng phạm lỗi? Trẻ con tự khẳng định mình bằng câu “ Không!” Người ta không làm ích gì cho nó bằng cách luôn luôn trả lời cho nó “đúng” . Cái cảm nhận không có hình phạt là một tai họa đối với đứa trẻ luôn luôn sẵn sàng trắc nghiệm những giới hạn mà thế giới người lớn áp đặt cho nó . Người ta không giáo dục một đứa trẻ bằng cách làm cho nó tưởng rằng nó được phép làm gì cũng được, rằng nó chỉ có những quyền mà không có một nhiệm vụ nào. Người ta không giáo dục trẻ bằng cách để cho nó tưởng rằng cuộc sống chỉ là một trò đùa, hoặc nghĩ rằng tất cả mọi tri thức của thế giới đã được bày cỗ sẵn cho nó, khỏi phải học nữa. Kỹ thuật tin học phải nằm ở trung tâm mọi suy nghĩ về giáo dục của thế kỷ XXI .Nhưng không được quên rằng mối quan hệ nhân bản giữa người giáo dục với đứa trẻ vẫn là đều căn bản chủ yếu, và người giáo dục cũng phải tạo cho đứa trẻ niềm yêu thích phấn đấu bản thân, làm cho nó tự phát hiện ra rằng niềm vui của sự hiểu biết sau một quá trình suy nghĩ lâu dài là một phần thưởng.

Khen thưởng tài năng, trừng phạt tội lỗi, trau dồi lòng cảm phục đối với điều thiện , đối với cái công bằng, đối với cái đẹp, cái thật, cái lớn lao, cái sâu sắc và lòng căm ghét cái gian tà , cái bất công, cái khả ố, cái nhỏ nhen, cái dối trá, cái nông cạn, cái tầm thường, đó là cái cách người giáo dục làm ơn cho đứa trẻ mà mình có nhiệm vụ săn sóc và cái cách đúng đắn nhất để tỏ rõ tình thương yêu và sự kính trọng đối với trẻ.

Thực tế sự kính trọng phải là nền tảng của mọi nền giáo dục. Sự kính trọng của thầy giáo đối với học sinh, của cha mẹ đối với con cái, của trò đối với thầy, của con cái đối với cha mẹ , kính trọng người khác và kính trọng đối với bản thân mình,đó là cái mà giáo dục phải sản sinh ra .Nếu như thấy trong xã hội ta không còn có sự kính trọng nữa thì trước hết tôi muốn khẳng định đó là một vấn đề của giáo dục.

Tôi mong muốn chúng ta thiết lập lại một nền giáo dục của sự tôn trọng, một trường học của sự tôn trọng.Tôi mong muốn con em chúng ta học lễ phép, cởi mở tinh thần, rộng lượng khoan dung- là những hình thức của sự tôn trọng.

Tôi mong ước học sinh biết cất mũ khi ở trường và đứng lên khi thầy cô giáo bước vào lớp, bởi đó là một dấu hiệu của sự tôn trọng.

Tôi mong muốn người ta dạy cho mỗi học sinh biết tôn trọng những quan điểm không phải là quan điểm của mình, một điều tin mà nó không chia sẻ , một tín ngưỡng mà nó chưa hề biết đến. Tôi mong muốn người ta dạy cho học sinh hiểu rằng, những khác biệt , những mâu thuẫn trong ý kiến, sự phê bình chẳng những không phải là một trở ngại cho tự do của nó mà ngược lại đó là những cội nguồn làm cho nó ngày càng giàu thêm về tri thức.

Bị va chạm trong những thói quen tư duy, trong những điều tin chắc của mình , bắt buộc phải đến với người khác, lắng nghe những ý kiến , những lập luận, tình cảm của người đó một cách nghiêm túc chính là những điều thúc đẩy mình phải xem xét lại những điều mà bản thân mình tin chắc, xem xét lại những giá trị căn bản của bản thân mình, tự phân tích, kiểm điểm, chất vấn mình, là một sự cố gắng đánh giá lại bản thân tức là để vượt lên chính bản thân. Đó là cái lý do khiến chúng ta phải duy trì , dù có phải đổi mới, cái mẫu nhà trường cộng hòa bao gồm chung tất cả mọi nguồn cội, mọi giai cấp xã hội, mọi tín ngưỡng và tự buộc mình luôn luôn đứng trung lập trước những tín điều tôn giáo, triết lý hay chính trị của mỗi người bằng cách tôn trọng tất cả những điều khác nhau đó.

Cái mẫu nhà trường cộng hòa đã bị suy yếu, nguyên tắc của nó không còn được tôn trọng. Nếu tôi mong muốn tiến dần tới việc bỏ cái “thẻ học sinh” đó đi, chính là giảm bớt những sự phân cách đó đi.

Nếu tôi mong muốn cải cách trường trung học cơ sở, là cốt để cho mỗi con em chúng ta ai cũng được vào học nhà trường đó, cho những khác biệt về nhịp điệu hoạt động, về tình cảm về tính cách, về hình thức trí tuệ được chú ý quan tâm hơn, sao cho mỗi học sinh em nào cũng có cơ may nhiều nhất để thành đạt.

Nếu tôi mong muốn cho những trẻ con khuyết tật đều được tới trường như tất cả các trẻ khác, không phải chỉ để các em khuyết tật được hưởng hạnh phúc mà cũng để các em khác nhờ sự khác biệt đó mà được phong phú hơn lên về mặt tinh thần.

Nếu tôi muốn rằng nhà trường, trên hết và luôn luôn là nhà trường thế tục, là bởi vì tính thế tục đối với quan điểm của tôi, là một nguyên tắc của sự tôn trọng lẫn nhau và vì nó mở ra một không gian rộng rãi cho sự đối thoại và hòa bình giữa các tôn giáo, và nó là phương tiện chắc chắn nhất để đấu tranh chống cái cám dỗ của các nhà tu kín.Để tránh những sự va chạm tôn giáo dễ dàng mở đường cho một sự đối đầu giữa các nền văn minh khác nhau, chúng ta có cách nào tốt hơn là để cho một vài giá trị lớn của nhân loại đối lập với tính thế tục? Song song với vấn đề đó, tôi cũng khẳng định rằng không nên gạt vấn đề tôn giáo ra ngoài nhà trường. Nguồn gốc hình thành các tôn giáo lớn, những cách nhìn về con người và về thế giới – nhân sinh quan và thế giới quan – cần phải được nghiên cứu, dĩ nhiên không phải với một ý định lôi cuốn kẻ khác theo một phe phái nào, hay trong khuôn khổ nghiên cứu thần học, mà trong khuôn khổ một sự phân tích xã hội văn hóa và lịch sử cho phép chúng ta hiểu rõ hơn bản chất về sự kiện tôn giáo. Tư tưởng về tâm linh, về cái thiêng liêng vẫn từ muôn đời nay luôn luôn đồng hành với cuộc sống con người. Những tư tưởng đó chính là nguồn cội của mọi nguồn văn minh. Người ta cởi mở tâm tư với người khác dễ dàng hơn, người ta đối thoại với nhau dễ dàng hơn nếu người ta hiểu nhau.

Nhưng sự tìm hiểu cái khác biệt nhau không nên dẫn tới sự lơ là cùng tham gia vào một nền văn hóa chung, vào một bản sắc cộng đồng chung, vào một nền đạo đức chung. Giáo dục có nghĩa là đánh thức cái ý thức cá nhân và từng bước nâng nó lên thành ý thức nhân loại, tức là làm cho mỗi người tự cảm thấy mình vừa là một con người duy nhất, cụ thể, vừa đồng thời là một bộ phận hữu cơ của cả nhân loại. Giữa hai cái ý thức ấy có một cái gì đó rất cơ bản mà không nền giáo dục nào có thể lẫn tránh được. Giữa cái ý thức cá nhân và ý thức nhân loại, đối với chúng ta- người Pháp, còn có cái ý thức dân tộc và cái “ý thức châu Âu”.

Giữa cái ý thức mình là một phần tử nhân loại và cái ý thức mình là một số phận cá nhân, Giáo dục cũng phải gây ý thức công dân , phải đào tạo người công dân – Con em chúng ta sẽ không bao giờ thành được công dân nhân loại, nếu chúng ta bất tài không đào tạo được những công dân nước Pháp và những công dân Châu Âu.

Tất nhiên gia đình đóng một vai trò chủ yếu trong việc truyền thụ ý thức công dân cho con em , nhưng cái lò hun đúc ra ý thức dân tộc chính là nhà trường. Nói về nhà trường, tôi không chỉ nói đến công dân giáo dục mà việc giảng dạy phải chiếm vị trí hàng đầu trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở (collège- cấp 2) và trung học phổ thông (lycée- cấp 3).

Tôi không chỉ nghĩ đến sự truyền thụ những giá trị đạo đức như những quyền người, sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới hay là tính thế tục là những giá trị nằm ngay ở trung tâm bản sắc dân tộc chúng ta. Tôi cũng nghĩ tới những giá trị tinh thần, tới một cách tư duy suy nghĩ riêng của chúng ta. Tôi nghĩ tới cái truyền thống tư duy sáng sủa rõ ràng của dân tộc Pháp chúng ta , tới cái xu hướng rất Pháp vươn tới cái lẽ phải toàn nhân loại trong triết học, trong khoa học và cũng cả trong ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật chúng ta.

Để đối phó với mối nguy cơ thoái hóa của thế giới, nhiệm vụ chúng ta là cổ vũ cho sự đa dạng văn hóa. Nhiệm vụ này bắt buộc chúng ta phải bảo vệ trước tiên bản sắc văn hóa của chúng ta, phải tìm khai thác những phần tinh hoa trong truyền thống tinh thần, đạo đức, nghệ thuật của chúng ta và truyền thụ lại cho con em chúng ta giữ gìn sinh động cho mọi người. Bởi vì di sản mọi nền văn hóa, mọi nền văn minh là thuộc về toàn thể nhân loại. Chính chúng ta là người thừa kế mọi sự chinh phục mọi sự sáng tạo của trí tuệ loài người. Chúng ta là người thừa kế mọi nền văn minh lớn đã đóng góp để làm cho sự nảy nở lần lượt và một cách tương hổ những nền văn hóa khác nhau, đang tạo ra nền văn minh vũ trụ đầu tiên hôm nay.

¬¬¬

Mở đường cho con em chúng ta tiếp xúc với thế giới, với cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa, không phải là từ chối cái bản sắc, bản lĩnh của chúng ta mà là bổ sung , hoàn chỉnh bản lĩnh và bản sắc. Từ bao đời nay , nước Pháp vẫn đặt chủ nghĩa nhân loại ở trung tâm tư tưởng của nó, ở trung tâm các giá trị của nó. Từ bao đời nay , nước Pháp vẫn tự coi mình là kẻ kế thừa mọi nền văn hóa đã đóng góp cho ý niệm nhân loại trên thế giới.

Chúng ta phải đặt nền văn hóa phổ thông vào vị trí trung tâm của tham vọng giáo dục của chúng ta . Đương nhiên chân trời của nền văn hóa phổ thông ấy không phải là một sự tích lũy kiến thức vô tận mà là một sự hiểu biết có suy nghĩ có thứ tự, và phải hoàn toàn nắm vững. Không phải là đi tìm cái tuyệt đối hay số lượng, mà phải nhằm cái chủ yếu và cái chất lượng, đối chiếu và đặt mối quan hệ tương tác giữa các địa bàn trí tuệ khác nhau của loài người để giúp cho mỗi thanh thiếu niên tự xây dựng lấy cái thế giới quan riêng của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, trẻ con biết rất nhiều điều mà cha mẹ chúng không biết. Nhưng phải cấu tạo sự hiểu biết đó thành văn hóa, làm cho nó sáng tỏ bằng tất cả di sản của trí khôn ngoan và trí tuệ loài người.

Không được ngăn cách, cô lập, đối lập các hình thức khác nhau của sự hiểu biết. Việc giảng dạy phân môn phải duy trì bởi mỗi môn học có cái lôgíc riêng của nó, bởi đó là cách duy nhất để tìm hiểu đến nơi đến chốn các vấn đề. Nhưng phải bổ sung cách riêng bằng một cái nhìn toàn diện, bằng cách đối chiếu sự phát triển của mỗi môn tương quan với các môn khác. Bao trùm là những phạm trù truyền thống của kiến thức, tôi tin chắc rằng ngày nay chúng ta phải xây dựng một kết cấu chặt chẽ cho sự hiểu biết mới, kết quả của sự hòa hợp , trộn lẫn, phát triển tương hổ giữa các môn.

Tôi không tán thành chủ trương sách giáo khoa duy nhất . Tôi không tán thành lối tổng hợp hóa kiến thức vì nó dẫn tới sự lẫn lộn. Nhưng tôi nghĩ rằng một sự phối hợp các môn phải sớm có vị trí trong việc giảng dạy của chúng ta bởi vì tương lai sẽ thuộc về sự phối hợp của những kiến thức, những nền văn hóa và những quan điểm . Tôi nghĩ rằng đây là một trong những chìa khóa của nền phục hưng tinh thần, đạo đức và nghệ thuật của chúng ta. Về văn hóa phổ thông, nó phải là một nhiệm vụ thường xuyên. Và khi con em chúng ta học ngoại ngữ – và tôi mong chúng sẽ học ít nhất hai ngoại ngữ bắt buộc thì sự học tập đó cũng là một sự học tập để làm quen với văn hóa và văn minh. Tôi mong muốn con em chúng ta học tiếng nước ngoài qua văn học , qua sân khấu . qua thơ ca, qua triết học, qua khoa học.

Khẳng định tầm quan trọng của văn hóa phổ thông trong giáo dục- trong đó nó đã bị tụt hậu để làm lợi cho một sự chuyên môn hóa quá sớm và quá mức, chính là khẳng định đơn giản rằng một nhà bác học, một nhà kỹ sư hay một kỹ thuật viên không được phép mù tịt về khoa học , về kỷ thuật , về toán học.

Cái ý tưởng cho rằng một người chọn khoa học làm nghề nghiệp thì chẳng cần gì đến thơ ca, sân khấu hay triết học là một ý tưởng, theo tôi hoàn toàn vô nghĩa . Cái ý tưởng cho rằng con em các gia đình thấp kém sinh trưởng trong những khu phố mà cuộc sống vất vả khó khăn, tập trung những đứa trẻ tàn tật, những đứa con trai hoặc con gái của người làm công, của các công nhân,.. thì không cần thiết phải tiếp xúc với những tác phẩm vĩ đại của trí tuệ loài người làm gì, rằng chúng không có khả năng thưởng thức, rằng với chúng thì cho biết đọc, biết viết và biết tính toán là đủ lắm rồi… đối với tôi là một trong những dấu hiệu rõ nhất của sự coi khinh con người.

Nếu có bao nhiêu thanh niên không diễn tả nỗi những cảm nhận của mình, nếu có bao nhiêu lớp trẻ đất nước ta không nói lên được những cảm xúc, những tâm tư của họ không biết chia sẻ với những người xung quanh, không tìm ra được những từ ngữ yêu thương hoặc đau đớn, nếu rất nhiều người trong số đó chỉ biết diễn đạt ý nghĩ của mình bằng hành động bạo lực, tàn ác, tấn công, có thể cũng vì người ta đã không dạy cho họ biết làm quen với văn học, với thi ca, với một hình thức nghệ thuật nào biết diễn tả những tình cảm xúc động nhất, thống thiết nhất, bi đát nhất của con người trong họ,…

Trong cái thời đại của Vidéo , của điện thoại cầm tay, của internet , của sự thông tin tức khắc, con em chúng ta không phải là ít cần văn hóa phổ thông hơn trước kia, mà là cần nhiều hơn. Chúng cần có nhiều khả năng hơn về phân tích, về tinh thần phê phán, về những điểm nhớ để tham khảo, tìm tòi. Thế giới cáng sản sinh ra nhiều kiến thức, càng nhiều thông tin, càng nhiều kỹ thuật thì đối với kẻ nào muốn tự do , muốn làm chủ vận mệnh của mình càng đòi hỏi có nhiều văn hóa . Trong cái thế giới như hiện nay với những kêu mời ngày càng càng nhiều và mãnh liệt, con em chúng ta càng cần chủ nghĩa nhân bản và khoa học hơn . Về cả hai lĩnh vực này , chúng ta đã có quá nhiều nhượng bộ.

¬¬¬

Trái ngược với các truyền thống tinh thần của chúng ta , nền văn hóa nhân bản chủ nghĩa đang khô héo dần và nền văn hóa khoa học của chúng ta đang thụt lùi. Chúng ta phải đấu tranh ở cả hai mặt trận, phải sớm gầy dựng được cho con em chúng ta cái hứng thú đọc sách sự ham thích nghệ thuật và khoa học.

Nhưng chúng ta cần xem xét lại cái cách thức truyền thụ của chúng ta . Trong một thời gian quá lâu, sự thụ động của trẻ con trong việc tiếp thu kiến thức đã thành một nề nếp trong giáo dục . Người ta đã phê phán quá nhiều lối học thuộc lòng là lối học có nhiều tác dụng rèn luyện trí nhớ . Có ai lại kêu ca vì đã khắc sâu được vào ký ức của mình một vài truyện ngụ ngôn “ La Fontaine “ hoặc vài câu thơ Verlaine , hay vì đã học cách ghi nhớ những thời điểm mấu chốt trong lịch sư nước Pháp hoặc những địa điểm quan trọng trong điạ lý toàn cầu, có ai kêu ca vì đã đọc thuộc lòng những bản cửu chương, những công thức số học và hình học? Nhưng văn hóa đích thực đòi hỏi nhiều hơn là việc học thuộc lòng. Nó chỉ đạt tới chiều sâu qua sự trỗi dậy của ý thức, của trí tuệ, của sự tò mò. Phải tập cho trẻ biết tự đặt câu hỏi cho mình, biết tự suy nghĩ , biết thắc mắc , biết phản ứng , biết nghi ngờ và tự mình phát hiện lấy những chân lý bổ ích cho nó suốt cuộc đời.

Giáo dục của chúng ta phải trở thành ít thụ động hơn, ít máy móc hơn . Nó cũng cần giảm thiểu cái vị trí quá lớn thường dành cho chủ nghĩa này , cho lý thuyết kia , cho sự trừu tượng hóa khiến cho nhiều cái đầu óc thông minh phải thoái chí và khép lại . Chúng ta phải dành một vị trí rộng lớn hơn cho sự quan sát, sự thể nghiệm, sự biểu hiện, sự ứng dụng.

Tôi tin chắc rằng với cách này người ta sẽ ngày càng gây được hứng thú cho một số thanh niên đông đảo hơn và cái nạn thất bại nhà trường sẽ giảm bớt . Điều này có giá trị đối với các môn khoa học cũng như đối với các môn học cổ điển – khoa học nhân bản – hay nghệ thuật . Để cho kiến thức trở nên sinh động hơn , cụ thể hơn , cần phải mở cửa thế giới giáo dục ra với các thế giới khác: thế giới văn hóa , thế giới nghệ thuật, thế giới nghiên cứu,thế giới kỹ thuật,… và tất nhiên với thế giới xí nghiệp là cái thế giới mà trong đó phần lớn con em chúng ta sẽ sống tuổi tráng niên của chúng.

Cần phải cho con em chúng ta gặp gỡ những nhà văn , những nghệ sỹ, những nhà nghiên cứu, những người thủ công, những người ký sư, những nhà thầu,… họ sẽ chia sẻ với chúng tình yêu cái đẹp, cái chân lý , sự ham thích khám phá và sáng tạo. Cần phải thiết lập chặt chẽ mối quan hệ giữa những tổ chức văn hóa , những trung tâm nghiên cứu, thế giới xuất bản, thế giới xí nghiệp với các nhà trường, trường trung học cơ sở và phổ thông.

Không được để trẻ con bị giam hãm trong lớp học . Phải tổ chức cho chúng được tiếp xúc với bên ngòai, đựợc đi xem biểu diễn sân khấu, đi tham quan các viện bảo tàng, các thư viện , các phòng thí nghiệm, các xưởng sản xuất. Phải tổ chức cho chúng đựợc trực diện ngắm những cảnh đẹp và làm quen với những cái diệu kỳ của thiên nhiên . Chính đồng ruộng, núi non, khe suối hay bãi biển là những nơi có điều kiện tốt nhất để tổ chức những buổi học vật lý , điạ chất địa lý, sinh học , lịch sử và cả thơ ca . Phải dạy cho con em chúng ta vừa biết xem nhưng kiệt tác của nhà nghệ sỹ vừa biết ngắm những cái đẹp của thiên nhiên. Không nên ngần ngại cho chúng tiếp xúc với những công trình lớn lao của trí tuệ loài người và tiếp xúc với những người đang bảo vệ cho những công trình đó mãi mãi tồn tại sinh động.

Con em chúng ta không phải đứa nào cũng sẽ là nhạc sỹ, là nhà thơ, nhà khoa học, kỹ sư hay các thợ thủ công trong các mỹ nghệ. nhưng với những đứa trẻ sẽ không bao giờ làm nhạc sĩ, chúng ta không được từ chối gây dựng cho chúng cái yêu thích âm nhạc. Với những đứa trẻ sẽ không bao giờ trở thành thi sĩ, chúng ta không được phép từ chối gây dựng cho nó lịng yu thích thơ. Với những đứa trẻ khơng bao giờ trở thnh nh nghin cứu, ta không được phép tu choi gy cho chng ci tinh thần yu thích sự chính xc khoa học v sự say m tìm tịi. Với những đứa trẻ không bao giờ là thợ thủ công, gây cho nó lịng yu thích những buổi lao động có kết quả, những cử chỉ động tác đẹp, những kỹ thuật hoàn thành.

Điều đó có giá trị đối với mọi thanh thiếu niên. Không phân biệt gốc gác gia đình v mơi trường x hội, l học sinh trường tổng hợp hay học sinh trường dạy nghề. Bởi giáo dục truyền thống của chúng ta có một sai lầm khác là đối lập lao động chân tay với lao động trí óc – một sự phân cách vô lý cần phải phá bỏ đi để cho hệ thống các trường dạy nghề được thừa nhận là nhà trường ưu tú ngang với các trường khác.

Có một sự đối lập khác nữa mà chúng ta phải khắc phục: đó là sự đối lập giữa thể chất và tinh thần. Giáo dục l một thể duy nhất tổng hợp. Nó vừa phải l lý thuyết vừa phải l thực hành, vừa tinh thần vừa thể chất, vừa nghệ thuật vừa thể thao. Các phần dành cho thể thao hay còn quá ít, chưa đủ. Đứa trẻ cần phải vượt lên trên bản thân nó. Nhưng thể thao cũng là một trường học dạy sự tôn trọng người khác, tôn trọng điều lệ, tôn trọng sự trung thực và dạy con người tự vươn lên trên mình. Tôi tin tưởng ở giá trị giáo dục của thể thao. Không những thể thao cần được coi trọng hơn trong nhà trường, mà cần phải có quan hệ cởi mở giữa thế giới thể thao với thế giới giáo dục với nhau; cần phải thắt chặt hơn nữa những mối quan hệ giữa các tổ chức thể thao và các tổ chức giáo dục; cần phải có một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các vận động viên và các nhà giáo, vì lợi ích tối cao của con em chúng ta.

Xin các quý vị hiểu tôi, tôi không có ý định tăng thêm giờ dạy đâu nó đã quá nặng rồi. Không có vấn đề thêm vào chương trình những môn dạy mới, chương trình dạy lâu nay đã quá tải rồi, trong ý định của tôi, là vấn đề trả lại cho con em chúng ta cái thời gian cần thiết để sống, để thở để tiêu hóa những điều chúng ta đã dạy cho chúng.

Cái mà chúng ta cần phải tìm lại là sự mạch lạc của dự án giáo dục. Đương nhiên là phải qua một sự xem xét lại tự đầu những nhịp điệu và những chương trình giảng dạy, sự xem xét lại này rất cần thiết vì sau nhiều thập niên qua nhà trường liên tục va chạm với những đòi hỏi chồng chất và mâu thuẫn lẫn nhau và với những căng thẵng cùng những đợi chờ ngày càng quyết liệt trong khi sự đoàn kết x hội ngày càng mong manh. Tìm lại một sự kết dính bên trong của mỗi môn học và giữa các môn học, và cùng với mong đợi của xã hội, tìm lại một sợi dây chủ đạo dẫn đường trong giáo dục, qui định cho nó những nguyên tắc, những mục tiêu, những tiêu chuẩn đơn giản. Đó là điều chúng ta cần thực hiện trước tiên. Đồng thời phải nâng cao mức độ yêu cầu không phải về khối lượng mà về chất lượng.

Thay vào việc dựng sẵn một hàng rào tuyển chọn tàn nhẫn ở cổng vào trường đại học _ nó chỉ là một giải pháp hạn chế nhân khẩu của Malthus – chúng ta phải từng bước nâng cao mức độ yêu cầu, ở trường tiểu học, rồi ở trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông. Không cho em nào vào lớp sáu nếu nó không chứng minh được rằng nó có khả năng theo học chương trình trung học cơ sở ; không em nào được vào lớp đệ nhị nếu nó không chứng minh được nó có khả năng theo học chương trình trung học phổ thông và bằng tú tài phải chứng minh được cái khả năng theo học được chương trình đại học. Cái công trình xây dựng lại từ trường tiểu học đến trường trung học phổ thông là một công trình dài hơn. Nhưng nó là con đường sống của tương lai của tuổi trẻ chúng ta, của đất nước chúng ta.

¬¬¬

Cho mỗi người tới mức tối đa chứ không bằng lòng cho mọi người tới mức tối thiểu. Đó là cái cách thức tôi mong muốn từ nay chúng ta giải quyết vấn đề giáo dục đặc biệt là vấn đề nhà trường.

Công cuộc xây dựng lại nền giáo dục chúng ta hôm nay chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp với sự tham gia của mọi nhà giáo dục, cái quyết tâm chính trị của một mình nó không đủ sức làm; vì vậy tôi kêu gọi đến các vị.

Khi tôi nói mọi nhà giáo dục là tôi muốn nói rằng mục đích của chúng ta không thể đạt được chỉ với sự giúp đỡ của các thầy giáo hay chỉ với sự giúp đỡ của các phụ huynh. Nó chỉ có thể là công việc chung của tất cả các nhà giáo dục cùng chung sức chung lòng với nhau.

Muốn thành công, mỗi người trong các vị phải coi như mình có bổn phận phải cùng hoạt động với người khác. Giữa người cha, người mẹ, người thầy, quan tòa, người cảnh sát, nhà giáo dục xã hội, và những ai tiếp xúc với đứa trẻ trong môi trường thể thao, văn hóa, đoàn thể, lợi ích của đứa trẻ phải được coi trọng trên hết. Lòng tin cậy, sự hợp tác, sự trao đổi, tinh thần trách nhiệm phải ngự trị trong giáo dục. Mỗi người phải vượt lên trên thành kiến và mọi sự suy đoán tiên nghiệm của mình để hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị cho đứa trẻ trở thành người lớn.

Hỡi các bậc làm cha mẹ, các vị là những nhà giáo dục đầu tiên. Tôi biết cái vai trò ấy rất khó hoàn thành khi mà nạn thất nghiệp đang đe dọa, khi mà gia đình đang tổ chức lại, khi mà người cha hay người mẹ trở lại đơn độc nuôi con. Tôi biết cuộc sống có thể vô cùng vất vả. Tôi muốn nói với các vị rằng các vị sẽ được Nhà nước nâng đỡ, rằng các vị sẽ được giúp đỡ mỗi khi các vị cần đến để có thể giáo dục con cái các vị từ cái tuổi ấu thơ và đối với tôi chính sách gia đình hòan tòan nằm trong dự án giáo dục.

Tôi muốn nói với các vị rằng cái quyền được có nhà giữ trẻ và có lớp mẫu giáo, đối với tôi trong năm năm là những ưu tiên và tôi quyết tâm làm sao để không có một đứa trẻ nào thiếu kẻ săn sóc một khi lớp học tan rồi, để các vị có thể kết thúc một ngày lao động của mình mà không phải khắc khoải lo sợ bé trai hay bé gái của các vị không có người trông nom.Từ đây về sau các bài tập của chúng sẽ làm ngay tại trường, trong những buổi học có giám thị và với những học sinh giỏi là con những gia đình nghèo khó nhất không có điều kiện dành cho con cái họ một khung cảnh thuận lợi cho việc học tập thì Nhà nước sẽ xây dựng lưu học xá có chất lượng cao.

Các vị sẽ được giúp đỡ trong công việc phận sự của mình. Nhưng các vị phải có bổn phận đối với con cái của các vị. Các vị có trách nhiệm làm sao cho con cái các vị phải đi học, trách nhiệm khắc sâu vào người chúng cái ý thức tôn trọng pháp luật và tính lịch sử, phải kiểm tra xem bài vở của chúng có được làm đầy đủ. Nếu các vị để chúng trốn học, nếu các vị để cho chúng tự do làm gì thì làm, khi đó việc xã hội đòi hỏi tính sổ với các vị, uy tín các vị có bị lung lay, những trợ cấp mà các vị được hưởng phải đặt dưới sự quản lý…..Âu cũng chỉ là sự bình thường mà thôi…..

Thưa các giáo sư, các nhà giáo dục, các vị cũng có quyền được tôn trọng, yêu quý. Vai trò của các vị là phải chủ yếu. Các vị đã từng nghiên cứu học tập lâu năm. Các vị cần phải chứng tỏ sự thông minh, tính kiên nhẫn, sự hiểu biết tâm lý và khả năng chuyên môn thành thạo. Tôi biết cái nghề thầy giáo tuyệt vời này đòi hỏi các vị nhiều đến mức nào, nó bắt buộc các vị phải tự cống hiến mình đến mức nào, nó đã trở nên khó khăn và lắm khi bạc bẻo đến mức nào, từ khi mà bạo lực đã xâm nhập vào nhà trường. Tôi ý thức được sâu sắc rằng cái quy chế xã hội về thầy giáo, cái sức mua của các vị ngày càng giảm sút khi công việc các vị ngày càng trở nên nặng nề hơn và điều kiện làm việc của các vị ngày càng thử thách nặng nề hơn, phải tạo ra cho các vị những triển vọng đẹp hơn về nghề nghiệp, một mức sống cao hơn,những điều kiện làm việc tốt hơn.

Ngày trước, người thầy giáo có một địa vị hẳn hoi trong xã hội, được xã hội thừa nhận vì nền Cộng Hòa rất tự hào về nhà trường của mình và về những người mà nó giao cho trách nhiệm quản lý. Người giáo viên, người giáo sư thì tự hào về nghề nghiệp của mình, tự hào phục vụ nền Cộng Hòa và đã có chút khái niệm về “Con Người viết hoa” và tiến bộ: chúng ta phải chắc nối lại và nâng cao sự tự hào đó. Trong nhà trường tương lai, các vị sẽ được trả lương hậu hơn, được kính trọng hơn và ngược với kiểu chủ nghĩa bình đẳng xưa nay vẫn chiếm ưu thế trong chính sách lương, các vị sẽ thu nhập được nhiều hơn, sẽ phát triển nhau hơn nếu các vị quyết chọn sự làm việc và tự đầu tư nhiều hơn cho mình.

Các vị có thể chọn phương pháp sư phạm phù hợp nhất với học sinh mình, bởi tôi tin rằng chúng ta phải tin tưởng các thầy giáo của ta, tin tưởng ở khả năng phán đoán của họ bởi họ được đặt ở vị trí đúng đắn nhất để quyết định những điều gì tốt cho học sinh của họ. Những nhà trường nào mà các vị sẽ dạy, sẽ có quyền tự quyết rộng rãi hơn trong sự chọn lựa dự án và tổ chức của mình. Sự đánh giá bất cứ ở đâu cũng xuất phát từ nguyên tắc và phương tiện sẽ được cung cấp cho họ tùy theo kết quả của học sinh và những khó khăn mà chúng gặp phải.

Sự đổi nghề của một số trong các vị mà sau khi theo nghề dạy học một thời gian dài cảm thấy sự cần thiết phải thay nghề đi để có thể phát huy những khả năng thành thạo của mình, sẽ được dễ dàng dù họ ở trong hay ở ngoài biên chế nhà nước. Ngược lại, những người ngoài giáo dục mà đã có một số kinh nghiệm, muốn chuyển sang nghề thầy giáo, đều sẽ được đón tiếp vui vẻ chân tình hơn là hiện nay. Trong ngành quốc dân giáo dục cũng như ở mọi ngành chức năng của nhà nước, cái vòng kim cô của quy chế phải được nới rộng ra để cho phép đi lại dễ dàng những con người, những tư tưởng, những tài năng chuyên môn.

Tôi mong muốn có một sự đánh giá lại về cái nghề giáo dục, một trong những chính sách ưu tiên trong nhiệm kỳ năm năm của tôi đó là cái hệ luận tất yếu của sự đổi mới nhà trường và xây dựng lại nền móng giáo dục của chúng ta. Nhưng các vị, các giáo sư, nhà giáo cũng như các bậc phụ huynh, các vị phải tỏ ra gương mẫu. Gương mẫu từ cách cư xử, cách ăn mặc đến thái độ nghiêm túc công bằng trong ý thức trách nhiệm. Cả gương mẫu về khả năng làm cho uy tín của người thầy giáo được nâng cao, gương mẫu ở sự quan tâm khen thưởng những công lao và xử phạt những sai phạm.

Trong nhà trường đúng mong muốn của lòng tôi, trong đó chất lượng được đặt lên trước khối lượng, trong đó sẽ có ít giờ lên lớp hơn, các phương tiện được sử dụng có hiệu quả hơn, vì sự tự quản sẽ cho phép sử dụng chung rộng rãi hơn theo nhu cầu, thì số lượng các nhà giáo, các giáo sư sẽ ít hơn. Nhưng điều này sẽ là hiệu quả của sự cải cách nhà trường chứ không phải là mục đích của sự nghiệp cải cách này. Và tôi đang đi vào con đường đó, những phương tiện được giải phóng từ sự cải cách sẽ được đầu tư trở lại trong giáo dục và trong sự đánh giá lại các sự nghiệp giáo dục. Vấn đề là tăng hiệu quả chứ không phải là phân phối. Tăng hiệu quả không phải chỉ để đạt một mục tiêu kinh tế, không phải chỉ nhắm nền kinh tế tương lai của chúng ta có một nhân lực dồi dào và có chất lượng mà có thể chủ yếu là để con em chúng ta thành những con người mang những giá trị của nền văn minh, để cho một ý tưởng văn minh nào đó vẫn tiếp tục sống trong chúng.

¬¬¬

Mỗi một người trong các vị, tôi biết, đang suy tính về tầm quan trọng của thử thách mà chúng ta phải chọn. Mỗi một người trong các vị hiểu ra rằng cuộc cách mạng trí thức đang tiến hành dưới con mắt ta không cho phép chúng ta còn thời gian để mà suy nghĩ lại ngay cái ý nghĩa của từ giáo dục nữa . Mỗi một người trong các vị đều ý thức được rằng đối diện với sự khe khắt của những quan hệ xã hội ngày nay với nỗi u lo khắc khoải trước một tương lai ngày càng giống như một sự đe dọa, thế giới đang cần một sự phục hưng mới chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục. Nhiệm vụ của chúng ta là nắn lại đường dây tư tưởng đã đi từ thời đại Phục hưng đến nhà trường Jules Ferry qua cái dự án của anh em Lumires.

Thời điểm xây dựng lại nền mong đã đến. Chính là sự xây dựng lại nền móng đó mà tôi kêu mời các vị hãy đến. Chúng ta sẽ cùng nhau chỉ đạo nó. Chúng ta đã quá chậm trễ rồi.

Hoàng Hữu Đản (dịch)