Nhân kỷ niệm 12 năm chương trình Anh ngữ trong mùa hè trên hệ Multimedia dành cho trẻ em
(20/6/1995 – 20/6/2007)
(Tặng những người học trò thương mến của tôi ở phòng Multimedia)
Các em Bích Đào, Bảo, Quỳnh Như, Thanh… thương mến!
Chiều hôm nay, khi thầy ghé xuống phòng Multimedia lại lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày xa cách, thầy trò mình chưa kịp nói gì nhiều, vì thầy cùng đi với một người khách lạ, trong lúc giới thiệu với khách về chương trình điện toán và Anh ngữ trong mùa hè trên hệ Multimedia dành cho trẻ em, nhìn thấy đàn trẻ thơ đang ngồi học và nhìn thấy các em đang sinh hoạt với chúng, tự nhiên thầy thấy lòng tràn ngập cả một niềm xúc động mạnh mẽ. Thầy đã khóc trong lòng, khóc trong niềm hạnh phúc bát ngát và thầy chợt quay mặt đi nơi khác, để dấu người khách kia những xúc động của mình. Thầy nhìn kỹ từng khuôn mặt của các em và thấy thương lạ lùng. Các em đã gầy đi nhiều quá, có lẽ vì quá cực khổ với những ngày đầu của chương trình, xen lẫn trong những tình cảm thương mến vô cùng đó là một cảm giác sung sướng và hạnh phúc vô biên của thầy. Thầy tự hào là đã có một đội ngũ những người học trò tuyệt vời, có cả trái tim và lòng yêu mến cuộc sống mạnh mẽ, tha thiết giống như người thầy của họ – và ở thầy càng dấy lên những khát vọng cháy bỏng và niềm tin vĩnh cửu rằng thầy trò mình sẽ thành công, ngọn lửa CADASA sẽ sáng rực với những hoài bão và những lý tưởng xã hội mạnh mẽ của nó. Hình như trong khoảnh khắc thầy cũng đã truyền đến cho người khách kia niềm xúc động thiêng liêng và vô tình thấy ở ánh mắt người khách lạ ấy cũng ánh lên những giọt nước mắt, bất giác người khách lạ kia nói với thầy “Thầy Hùng à, tôi đi từ Đông sang Tây, sau bao nhiêu năm bôn ba ở nước ngoài, bươn chải với bao nhiêu điều và về nước đi từ Nam chí Bắc, cũng chưa thấy có ai như thầy, thầy giàu lòng nhân ái lắm. Thầy giàu có vô cùng, cả đàn trẻ thơ kia là gì, nếu không phải là những tài sản quý giá nhất của đất nước Việt Nam mình, trong thời buổi nhiễu nhương này, không ai có can đảm lao vào giáo dục đâu, vì nó lâu dài và gian khổ lắm, họ chỉ thích cái gì nhanh hái ra tiền thôi, đất nước này mà còn có những người như thầy thì nó sẽ khá thôi. Về Mỹ, tôi sẽ kể lại cho bạn bè tôi nghe, ở Việt này vẫn còn có những con người giàu tâm huyết như thầy.”
(Xin cảm ơn chị, người khách lạ của tôi.)
Và chiều nay thầy hẹn các em là thầy sẽ xuống phòng Multimedia để sinh hoạt với các em, sau bao nhiêu ngày đi xa trở về, thầy muốn ngồi bên cạnh các em, thật thân thiết, thật gần gũi để tâm sự bao nhiêu điều mà thầy đã cảm nhận được trong chuyến đi; cùng với những niềm vui, những trăn trở, lo âu về những công việc của thầy trò mình. Thầy đã xuống phòng Multimedia với một tâm trạng hồ hởi, cứ sợ đến trễ là các em về mất. Nhưng xui quá, khi thầy mới bước vào phòng thì Bích Đào lại báo thầy có điện thoại của thầy Phiên, có việc gấp. Thầy điện thoại cho thầy Phiên ngay thì thầy biết là kẹt rồi, tối nay có các thầy ở Canada về, thầy lại phải đi ngay vì các thầy trong đoàn muốn gặp thầy và cùng đi ăn tối với thầy. Thầy phải ra khỏi phòng Multimedia mà trong lòng chẳng vui gì, vì thầy chỉ muốn được tâm tình với các em thôi.
Sáng hôm thứ tư, mặc dầu còn mệt lắm, sau một trận cảm nặng ở Mỹ và Bangkok, đầu óc còn choáng váng sau một chuyến bay dài vậy mà thầy chỉ muốn ngồi để xem cuộn phim video về ngày khai giảng của chương trình. Ôi vui sao khi mà thấy các em đã thay mặt thầy và đã tổ chức tốt buổi lễ khai giảng với hàng trăm phụ huynh và các em nhỏ. Thầy cứ xem đi xem lại mãi và lòng tràn ngập một cảm giác hạnh phúc và bất giác thầy đã chui vào phòng riêng và khóc thổn thức. Trong trí não thầy là cả một chuỗi những hồi ức về những ngày tuổi thơ cay đắng và gian khổ của mình; hình ảnh một cậu bé đi đánh giày, bán báo, lượm rác Mỹ của những năm xưa hiện về. Tuổi thơ của thầy làm gì có Multimedia, chỉ có những ngày đói rét, không được học hành đầy đủ, chung quanh những người lao động thành thị nghèo, chuyên kiếm sống bằng nghề làm thuê, gánh mướn. Tuổi lên 8, 9 tức là vào tuổi các em bé đang học chương trình Multimedia bây giờ của chúng ta, thầy là một cậu bé phải làm bao nhiêu việc để kiếm sống. Xóm thầy ở là gần một gò mả, ở cuối thị xã Quảng Ngãi, cứ mỗi chiều là xe rác Mỹ đổ rác ở đó. Mỗi lần xe Mỹ đến đổ rác ở đó là thầy chạy từ đầu xóm đến cuối xóm để la to lên “Rác, rác, bà con ơi, mau lên! Mau lên!” vậy là từ đầu xóm đến cuối xóm, người cầm cây, kẻ cầm giỏ chạy thật nhanh lao vào xe rác, lùng sục, lượm lặt những cái gì có thể được để đem bán lại; người thì lượm cái vỏ chai, hộp bánh thừa, kẻ thì lượm chai rượu… Có lần thầy lượm được vỏ chai rượu Wishky thật đẹp và reo lên sung sướng vì chiếc vỏ chai này có thể bán gần 3 đồng bạc, đủ mua được vài ký gạo… Vậy mà bây giờ thầy làm cho những chú bé bằng tuổi thầy ngày xưa được học tiếng Anh, được nghe chuyện cổ tích trên những phương tiện hiện đại của công nghệ Multimedia. Ôi sung sướng vô cùng, hạnh phúc vô cùng như là một giấc mơ.
Không biết thầy có đủ sức để truyền đến cho các em niềm hạnh phúc vô biên này không? Và càng hạnh phúc hơn khi nhìn thấy trên những khuôn mặt gầy rộc của các em vẫn sáng ngời ánh mắt của những niềm tin yêu bất tận.
Trong những ngày ở xa đất nước, mặc dù bề bộn với bao công việc, trong một hoàn cảnh rất ít thời gian, mỗi nước thầy chỉ ở được hơn 10 ngày, thầy vẫn theo dõi thường xuyên tiến độ chương trình của chúng ta. Thầy gửi những bức Fax về để dặn dò, điều khiển công việc và hồi hộp theo dõi từng con số của những học sinh đến ghi danh. Ở Vancouver ngày đầu thầy nhận được tin khi báo Tuổi Trẻ vừa đăng là có rất nhiều người đến hỏi ở bàn ghi danh; rồi đến ngày thứ 2, được 13 người ghi danh; đến Montreal thầy nhận được tin 40 người ghi danh; đến Los Angeles trong những ngày đầu 60 người ghi danh và đến ngày cuối cùng khi thầy rời Mỹ 150 người ghi danh; về đến Bangkok lại được biết tin chương trình đã khóa sổ vì không còn đủ chỗ ngồi, nhiều phụ huynh tiếc rẻ vì đến chậm. Thầy nhận được tin từ TPHCM Fax qua là buổi lễ khai giảng đã rất thành công, diễn văn khai mạc của thầy Fax qua từ Mỹ vẫn đến kịp trước giờ khai giảng. Vui sướng vô cùng các em ạ, cũng là một kỷ niệm thật đẹp của chương trình Multimedia của thầy trò chúng ta trong những ngày đầu tiên trên một chặng đường xa thật xa.
Hôm qua thầy và thầy Trung nói chuyện suốt cả buổi trưa, thầy Trung rất vui và kể với thầy bao nhiêu là chuyện về công việc của các quá trình ghi danh, khai giảng trong lúc thầy vắng mặt, sung sướng nhất là khi nghe thầy Trung khen các em “Ông đã cấu tạo nhân sự ở phòng Multimedia thật tuyệt vời.” Thầy Trung đã kể với thầy chi tiết về từng con người ở đó. Thầy và thầy Trung chìm ngập trong những cảm giác vui sướng bát ngát, vì chương trình Multimedia cho trẻ em là chương trình đầu tiên ở thành phố và cả nước, thậm chí ở cả khu vực Đông Nam Á. Rồi tụi thầy đã nói về thật nhiều điều, nhắc lại những kỷ niệm của thời tuổi nhỏ, những trăn trở, những ước mơ cháy bỏng về một nền giáo dục hiện đại và thật là kỳ diệu, cả thầy và thầy Trung đều chảy nước mắt. Cả hai người đã im lặng thật lâu để cảm nhận cho hết những cảm xúc thiêng liêng đó. Tuổi thơ của thầy Trung cũng cay đắng lắm, mẹ thầy Trung thì bị Mỹ bắn chết, ba thì bị tù Côn Đảo và tuổi thơ của thầy Trung cũng là cả một khoảng đời đói nghèo. Thầy đã nói với thầy Trung “Tôi đã nói với ông rồi, ở CADASA có một cái gì đó rất riêng, đó là những con người trẻ đầy ắp những khát vọng vươn tới không ngừng, vươn tới một lý tưởng thật sáng, rồi ông sẽ còn thấy nhiều điều hơn nữa khi ông nhập cuộc với tôi, tụi mình sẽ làm cho CADASA trở thành một hệ thống tuyệt vời với những gì đặc thù nhất, nhân bản nhất.”
Đã gần 2 giờ sáng rồi mà sao tối hôm nay thầy cảm thấy khó ngủ quá, cứ muốn nói với các em thật nhiều. Ngày mai, nhất định phải dành thời gian để làm việc với các em, và thầy sẽ đọc cho các em nghe những dòng nhật ký này, chắc là cả thầy trò mình sẽ cùng khóc òa và trong lòng sẽ tràn đầy niềm vui sướng và hạnh phúc. Thầy cũng dự định viết thật rõ cho thầy Trung đọc nữa, chắc ổng cũng sẽ khóc thôi vì tính thầy Trung cũng tình cảm lắm (những chữ thầy viết tháu quá ít ai đọc được, mỗi ngày trung bình viết vài chục trang quen rồi các em à), (vậy mà thầy chúa ghét những người viết chữ như “cua bò”) và thầy cũng sẽ đọc trang viết này cho người bạn chiến đấu của thầy, người vợ, người đồng chí thân thiết nhất đã cùng chia sẻ với thầy bao niềm vui nỗi buồn, cô Hà. Hôm nay cô Hà đang đi Đà Lạt, cô Hà đang đảm trách một chương trình bà mẹ và trẻ em. Chắc chắn cô Hà cũng lại sẽ khóc. Ôi! Sao mà sung sướng quá chừng, chung quanh thầy toàn là những con người nhạy cảm, toàn là những trái tim biết yêu thương. Còn gì hạnh phúc hơn nữa đâu. Và bỗng nhiên thầy chạnh buồn khi lại trở về với thực tại, nghĩ đến phải đối diện hàng ngày với những mảng đời thường nghiệt ngã, lúc nào cũng nợ nần, lúc nào cũng thiếu thốn tiền bạc.
Thầy dự định tuần tới sẽ họp các em để bàn bạc cụ thể về việc hoàn thiện chương trình, khai thác những mảng tài liệu mà thầy đã mang về từ Mỹ, Canada và Bangkok, có thể nói là cả một kho tàng. Và trên cơ sở đó chúng ta sẽ hoàn thành một chương trình dành cho trẻ em thật chất lượng và đuổi kịp hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến. Thầy trò mình sẽ cùng nhau nhóm lên những ngọn lửa tỏa sáng cho đời. Mỗi em bé ngây thơ kia rồi sẽ lớn khôn và những tri thức mà chúng thu lượm được từ hôm nay sẽ là những giá trị vĩnh hằng cho một đất nước Việt giàu mạnh và tươi sáng ngày mai.
Xin tặng cho các em tất cả tình thương yêu, mỗi người trong chúng ta sẽ là một ngọn lửa, mỗi chúng ta sẽ mãi mãi là những cánh én tạo nên mùa xuân. Mỗi thầy trò mình đều sẽ cùng nghĩ rằng một con chim én không làm nên mùa xuân nhưng mùa xuân thì không thể không có chim én.
Viết xong lúc 3 giờ sáng, ngày 20 tháng 06 năm 1995
Nguyễn Thế Hùng