Để phần nào hỗ trợ các bạn học sinh cải thiện và nâng cao hiệu quả học tập, vững tin hơn trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học – Cao đẳng sắp tới. Ngày 05/05 vừa qua, đại diện Trung Tâm Học Tập Trực Tuyến Cadasa.vn là Thầy. Nguyễn Phước Hòa Tân đã cùng tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Tăng tốc & Tự tin vượt vũ môn 2013” do báo Mực tím tổ chức với cương vị là giáo viên tư vấn chuyên sâu về bộ môn Hóa.

(Từ trái sang: Thầy Trà Thành Trung, thầy Nguyễn Phước Hoà Tân, chị Đinh Thị Phương Thảo – Phó Tổng Biên Tập Báo Mực Tím, thầy Lê Xuân Giang)

Dưới đây là một số hỏi đáp xoay quanh chủ đề môn Hóa và phương pháp giải hóa nhanh mà Thầy. Nguyễn Phước Hòa Tân đã tư vấn trong buổi giao lưu trực tuyến vừa qua:

Thưa thầy về lý thuyết môn Hóa, trong các kỳ thi đại học thường đề thi những năm gần đây chú trọng những phần nào ạ? Em tập trung vào kiến thức lớp 12 không thì có đủ chưa?(Võ Thị Thảo Nguyên, 17t, Lâm Đồng.)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Về cấu trúc đề thi thì hầu như năm nào cũng giống nhau nên không thể chú trọng phần nào, bỏ qua phần nào. Em có thể xem lại ma trận đề thi của Bộ Giáo dục & Đào tạo trên mạng để biết thêm thông tin. Thật ra, Hóa học khó vì nó có tính logic từ lớp 8 đến lớp 12. Riêng chương trình THPT thì cần chú trọng từ lớp 10 đến lớp 12. Nếu chỉ học lớp 12 không thì chưa đủ. Em cần ôn thêm kiến thức lý thuyết của cả lớp 10, 11 để đủ khả năng thi đại học cho kết quả tốt nhất.

Thưa thầy em có vẻ hơi “đuối” môn Hóa. Có cách nào để em lấy lại kiến thức căn bản môn Hóa không? Em cám ơn thầy.(Thi Minh Nhựt, 17t, Cần Thơ)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Muốn lấy lại kiến thức căn bản, em phải bám sát sách giáo khoa, các định luật bảo toàn khối lượng, nguyên tố, điện tích vì phương trình hóa học chẳng qua là hệ thức minh họa cho 3 định luật bảo toàn đó thôi. Về toán hóa học em có thể áp dụng phương pháp “hai lúa”. Ví dụ, cho hợp chất HCl là con cá. Muốn biết số mol của HCl (con cá) thì chỉ cần biết số mol của H (đầu cá)hay số mol Cl (đuôi cá). Một ví dụ khác, cho hợp chất CaCl2 là con gà. Thì muốn biết số mol CaCl2 thì chỉ cần biết số mol Ca (đầu gà) hoặc bằng số mol Cl (chân gà) chia 2. Hiểu nôm na như vậy thì em sẽ dễ dàng hơn khi giải toán để làm bài trắc nghiệm cho tốt. Em có thể tham khảo thêm phương pháp giải nhanh trên trang web www.cadasa.edu.vn.

Thưa thầy ở kỳ thi ĐH sắp tới, nếu em chỉ cần tập trung vào học và làm thật tốt phần lý thuyết môn Hóa thôi. Còn làm toán Hóa chỉ cần cố gắng làm tốt những bài nho nhỏ… Liệu em có thể đạt điểm trên trung bình không?(Nguyễn Bich Tram, 18t, KV1-TTđôngthanh đức huệ longan)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Nếu chỉ đặt mục tiêu đạt điểm 5 thì em chỉ cần học kĩ lí thuyết sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 và làm hết bài tập trong sách bài tập đi kèm với sách giáo khoa. Nhưng dù sao em cũng phải cố gắng thử luyện những bài nâng cao, giải thử các bài thi trong những năm qua để “nâng cao tay nghề”, có được những điểm số cao hơn.

(Trưởng ban chuyên hóa CADASA.VN – Thầy. Nguyễn Phước Hòa Tân)

Thưa thầy trong bố cục đề thi ĐH môn Hóa em nên chú trọng vào phần nào? Thường cấu trúc đề thi có thay đổi hàng năm không? Hay là vẫn theo một cấu trúc giống nhau? Em học trung bình khá ở lớp, theo thầy em có thể thi ĐH môn Hóa đạt 7 điểm không?(Nguyễn Thị Xuân, 17t, Long An)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Em có thể theo dõi phần trả lời phía trên của thầy về cấu trúc đề thi. Riêng về lực học trung bình khá thì em phải cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm số như mong muốn.

Em học thi ĐH khối A, em đã thi rớt năm vừa rồi và năm nay em thi lại ĐH. Em đã để cả năm ở không để ôn thi đại học, theo thầy trong thời gian ngắn ngủi còn lại em nên ôn thi cách nào cho có kết quả tốt nhất cho kỳ thi ĐH năm nay. Em cảm thấy bị áp lực kinh khủng…Xin thầy tư vấn cho em với!(Thuy Linh, 17t, thuylinh_bt@)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Trước hết em cần tự tin vào khả năng của mình vì so với bạn bè, em đã có thời gian khá dài để ôn tập. Điều cần làm với em bây giờ phải hết sức bình tĩnh. Vì như thế mới có đủ sáng suốt để làm tốt bài thi. Nếu kì thi là một trận đá bóng thì em hãy ra sân với tinh thần tự tin chiến thắng, em sẽ làm tốt hơn. Chứ chưa đá mà đã sợ thua thì dễ “xìu” lắm em!

Em năm nay mới đang học lớp 8 và rất dở môn HOÁ Thưa thầy làm cách nào em có thể lấy lại căn bản để hết phải sợ môn này? Không biết em có kịp học lại môn Hóa không? Chắc là em không có khiếu học môn Hóa học! Thầy có bí quyết nào cho em lấy lại hứng thú học Hóa học không? Em xin cám ơn thầy.(Lê Ngọc Bảo, 17t, Sóc Trăng)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Em cần nắm vững khái niệm nguyên tử, phân tử, kí hiệu hóa học, phương trình hóa học, định luật bảo toàn khối lượng, đơn vị mol, tính chất cơ bản của hỗn hợp. Đó là những kiến thức cơ bản nhất. 

Em nên hiểu rằng hóa học đang tràn ngập trong đời sống của chúng ta, từ các máy móc, bàn ghế, tủ giường đến thức ăn, nước uống…đều có sự tồn tại của hóa học. Tức là, hóa học không phải là cái gì xa lạ mà luôn gần gũi với chúng ta. Hiểu như thế thì em có sẽ hứng thú học môn Hóa hơn. Còn chuyện có “khiếu” hay không có “khiếu” thì không quá quan trọng, em ạ. Vì em hoàn toàn có thể lấy “cần cù bù thông minh” mà!

Thưa thầy em đang phải ôn thi rất nhiều kiến thức khối A. Em đã cố gắng học rất nhiều, nhưng vừa học xong thì nhớ, còn qua một lúc là hầu như…quên hết! Em rât buồn và lo lắng không biết mình học thế nào cho hiệu quả. Mong thầy có cách nào giúp em hệ thống kiến thức của mình.(Đinh Thị Hiền, 17t, TP. HCM)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Có thể là em đang học nhưng không hiểu, một dạng “học vẹt” khá phổ biến ở nhiều em không có phương pháp học tập. Muốn nhớ lâu, em phải hiểu và biết cách vận dụng kiến thức mình đã học để suy ra các hệ quả.

Cho em hỏi làm cách nào để có thể phân phối thời gian làm bài thi hợp lý nhất. Theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước mà thầy biết được thì em phải làm thế nào?(Ngọc Ý, 18t, Quảng Nam)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Trước hết, em cần liếc qua đề thi để thấy những câu mình chắc chắn làm được thì làm ngay. Sau đó, mới làm những câu mà mình nghi ngờ “có thể làm được”. Cuối cùng mới chọn những câu có cảm giác…hoàn toàn xa lạ. Không dừng lại quá 2 phút ở bất cứ một câu nào. Như vậy thì em mới có thể phân phối thời gian làm bài thi hợp lí hơn.

Thưa thầy có thể cho em biết cấu trúc đề thi ĐH khối B các môn Toán, Hóa có tương tự cấu trúc khối A không ạ? Cám ơn thầy! (Lê Triều Dân, 17t, Cần Thơ)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Về cơ bản, cấu trúc đề thi môn Hóa khối A, B đều giống nhau. Mức độ khó dễ cũng tương đương.

Thưa thầy em thi khối B nhưng lại yếu môn hóa, làm thế nào để giải nhanh các bài toán hóa, nhất là các bài tập hữu cơ. E cảm ơn thầy.(Trần Thu Giang, 16t, Tp. Hồ Chí Minh)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Em có thể ghi nhớ phương châm: “Kiến thức hiện đại, phương pháp Hai Lúa”, tức là làm sao chỉ cần tính nhẩm là tìm ra kết quả bài toán. Em có thể tham khảo phương pháp giải nhanh mà thầy đang giảng trên trang www.cadasa.edu.vn. Hoặc có thể tham khảo các sách phương pháp giải nhanh hóa vô cơ và hữu cơ do thầy biên soạn.

Thưa thầy. Năm nay thi tốt nghiệp môn Hóa, nhưng em thi khối C nên mất căn bản môn Hóa. Giờ học lại từ đầu không biết thế nào, có cách nào học để lấy đậu tốt nghiệp không?(Văn Minh, 16t, Cần Thơ)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Em chỉ cần học thật kĩ sách giáo khoa và ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô ở trường là có thể an tâm đủ điểm trung bình rồi. Chúc em thành công!

Thưa thầy Tân, cho em hỏi phương pháp tương đương áp dụng giải bài tập vô cơ hay hữu cơ. Em cảm ơn thầy.(Nguyễn Cẩm Linh, 17t, Bình Dương)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Phương pháp tương đương do thầy đề xuất từ năm 1994 được áp dụng cho cả hóa vô cơ và hóa hữu cơ, nhưng đặc biệt hiệu quả cho hóa hữu cơ. Vì trong hóa vô cơ ta đã có một công cụ còn “ngon” hơn phương pháp tương đương, đó chính là giải theo phương trình ion thu gọn.

Thưa thầy cho em hỏi về xác xuất lặp lại những kiến thức trong đề thi của các năm cũ có cao không? Riêng đề thi môn Hóa thì phần thường xuyên chúng em phải gặp là phần nào? Cám ơn thầy.(Nam, 18t, Binh dinh)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Đề thi không bao giờ lập lại nguyên văn hay kiểu “bổn cũ soạn lại” nhưng cấu trúc thì vẫn theo ma trận đề thi. Nhìn chung, nội dung kiến thức hầu như không thay đổi, chỉ khác ở dạng câu hỏi. Có năm thì cho A tìm B, có năm lại cho B tìm A. Nếu em có luyện bộ đề thi cũ thì cần nắm dạng cấu trúc của đề thi chứ không nên đoán mò, dễ dẫn đến học tủ.

Thưa thầy, với môn sinh, hóa của khối B thì lý thuyết chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong đề thi ĐH?(Lương Thị Mỹ Duyên, 18t, TP.HCM)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Với môn Hóa thì cấu trúc đề thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thường có 60% câu hỏi lí thuyết và 40% câu hỏi có tính toán. Nhưng thực tế, từ năm 2007 đến nay, thầy nhận thấy tình hình có vẻ ngược lại. Các câu hỏi cần tính toán trên 50%.

Thưa thầy Tân, em đang theo học trực tuyến trên cadasa.Vn, trong các bài giảng em thường nghe thầy nói giải bằng phương trình ion thu gọn, vậy trong những bài toán nào thì dùng phương trình này. Cám ơn thầy.(Thịnh Phát, 17t, Quận 3)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Phương pháp phương trình ion thu gọn áp dụng cho các bài toán có dung dịch chứa chất tan. Vì phương trình ion thu gọn làm nổi bật bản chất ion của nhiều phản ứng, giúp ta học ít nhưng biết nhiều, giải quyết nhanh gọn các bài tập phức tạp, vì ta chỉ giải quyết vấn đề hóa học với những chất hay những ion thực sự gây ra phản ứng, còn những phần tử thụ động không trực tiếp gây ra phản ứng, ta biết rất rõ nhưng không cần phải “mời” ra. Tương tự như ta rất chú ý đến con em trong gia đình, nhưng khi được mời ăn giỗ, tiệc cưới, sinh nhật, ta không nên mang theo con em.

Em chào thầy Nguyễn Phước Hòa Tân. Em đang học sách của thầy, thầy có thể giải thích thêm về “bài toán cởi áo oxy” vì em chưa nghe ai nói về bài toán này. Cám ơn thầy.(Văn Hùng, 17t, Đắc Lắc)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Một cách tổng quát, kim loại sunfat là kim loại mặc áo sunfat.Kim loại clorua là kim loại mặc áo clo. Kim loại oxit là kim loại mặc áo oxi. Bài toán cởi áo oxi tức là bài toán khử oxi của kim loại oxit thành kim loại tự do, tức là kim loại “ở trần”. Ví dụ, CuO, ta dùng khí CO hay Hđể “cởi bỏ” oxi của CuO thì ta được kim loại Cu. Hiểu nôm na theo kểu “Hai Lúa” là như vậy.

Con chào thầy Tân. Thầy có thể cho con biết về cách áp dụng các hệ quả của định luật bảo toàn điện tích. Con cảm ơn thầy.(Quỳnh Ngọc, 17t, Quận Gò Vấp)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Định luật bảo toàn điện tử là định luật tuyệt đối đúng. Điện tích của một hệ thống cô lập thì luôn luôn không đổi, tức là được bảo toàn. Từ đó ta có thể ra rất nhiều hệ quả. Trong hóa học phổ thông, ta chỉ cần dùng 4 hệ quả để giải quyết rất nhanh gọn những bài toán hóa học phức tạp. Em có thể theo dõi 4 hệ quả này trên website của Cadasa.

Con chào thầy Hòa Tân. Thưa thầy cho con hỏi với mọi m, n V là như thế nào? Con cảm ơn thầy.(Ngọc Hương, 17t, Quận Tân Bình)

Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân: Mọi bài toán Hóa đều hỏi xác định các loại thành phần phần trăm, các loại nồng độ dung dịch, hiệu suất phản ứng, xác định công thức phân tử của một chất. Để giải quyết những dạng bài toán đó thì hoàn toàn không phụ thuộc khối lượng m, số mol n và thể tích V của hỗn hợp hay hợp chất. Tức là ta tự chọn m, n, V một cách khôn ngoan.

Trong buổi giao lưu trực tuyến vừa qua, CADASA.VN đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhờ sự hỗ trợ tận tình từ phía báo Mực tím, cũng như nhận thấy một điều là còn rất nhiều bạn học sinh đang cần có sự tư vấn, định hướng từ phía các Thầy/Cô nhưng thời lượng và số lượng của các buổi tư vấn còn rất hạn chế, không thể trả lời bao quát hết những câu hỏi từ phía các bạn học sinh. Nên trong thời gian sắp tới, CADASA.VN sẽ phân phối thời gian tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tư vấn trực tuyến để phần nào hỗ trợ cho các bạn học sinh trong học tập, cũng như trong các kỳ thi tuyển sinh. Xin cảm ơn các bạn đã ủng hộ CADASA.VN trong suốt thời gian vừa qua và chúc các bạn luôn đạt được thành công!