TTCT – Khu nghỉ dưỡng biệt thự cổ được khai trương vào những ngày cuối năm 2009, ngay trước Festival hoa Đà Lạt 2010. Tản bộ dọc con đường có vỉa hè được trồng hoa anh đào hưởng ứng festival, du khách thoải mái ngắm nhìn vẻ đẹp của từng biệt thự và có thể vào khuôn viên bên trong để uống cà phê, đọc sách…
Đường Trần Hưng Đạo là một trong những con đường đẹp nhất ở Đà Lạt. Đây cũng là khu vực cửa ngõ thành phố vì nằm trên một đồi thông thoai thoải cạnh đèo Prenn cũ – nay là đèo Mimosa, lúc bấy giờ là trục giao thông chính giữa Đà Lạt và các vùng khác. Trên cung đường hướng xuống hồ Xuân Hương và nhìn lên đỉnh Lang Bian, kiến trúc sư người Pháp Paul Veysseyre đã cho xây rất nhiều biệt thự.
Khu phố Tây ngày xưa trở thành khu nghỉ dưỡng
Theo các tài liệu cũ, khoảng đầu những năm 1920 ở Đà Lạt có bảy khu vực được chính quyền thuộc địa quy hoạch và xây dựng công sở, nhà ở dành riêng cho người Pháp, trong đó có khu biệt thự Trần Hưng Đạo ngày nay. Khu biệt thự rải rác dọc hai bên con đường, nằm giữa rừng thông được xây dựng đầu tiên để công chức, nhà giáo, kỹ sư, thương gia Pháp sang làm việc có chỗ trú ngụ nên còn được người dân địa phương gọi là “khu phố Tây”.
Do chủ nhân đến từ nhiều vùng miền nước Pháp nên biệt thự ở đây có kiểu dáng khác nhau, hình thành một không gian kiến trúc rất đa dạng và độc đáo.
Theo giải thích của ông Lê Phỉ – 70 tuổi, chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ ở Đà Lạt và là cố vấn dự án phục chế khu nghỉ dưỡng biệt thự cổ Đà Lạt của Công ty cổ phần Đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa, trong số 13 biệt thự do Cadasa quản lý và khai thác, các biệt thự số 14, 18 và 20 được xây dựng theo phong cách Colombages với những đà gỗ trên bức tường vách ngoài thường thấy ở vùng Normandie; biệt thự số 25 xây dựng theo kiểu kiến trúc ở vùng núi Vosges thuộc miền đông nước Pháp, số còn lại theo trường phái kiến trúc Baroque…
Chỉ một số biệt thự có diện tích lớn (lớn nhất là 7.500m2, tính cả khuôn viên sân vườn) hay có nhiều phòng (có lẽ là nhà của các quan chức), số còn lại là các biệt thự cỡ vừa hoặc nhỏ cho các gia đình ít người. Những biệt thự này đều xây bằng vôi vữa, chỉ giai đoạn sau mới có ximăng.
Gian nan chuyện phục chế
Mùa hè năm 1993, chúng tôi lên Đà Lạt nghỉ mát ngay tại biệt thự số 20 màu xanh lá. Đó là thời gian khu biệt thự Trần Hưng Đạo chuyển đổi sở hữu khai thác, từ nhà nước sang liên doanh DRI vốn cũng là chủ đầu tư khách sạn Sofitel Palace và sân golf đồi Cù. Nhưng chỉ sau cơn mưa, biệt thự bị dột nhiều chỗ. Thế là cả nhóm đành chuyển sang khu nhà nghỉ khách sạn Minh Tâm trong sự tiếc nuối của hai người bạn Pháp đi cùng.
Nhưng thời gian liên doanh DRI khai thác khu biệt thự cũng không khá hơn, thậm chí còn xuống cấp hơn. Sau khi DRI bỏ cuộc, Tổng công ty Hồ Tây tiếp quản dự án và cũng không triển khai được gì, UBND tỉnh Lâm Đồng mới quyết định lấy lại khu biệt thự để đưa ra đấu thầu. Kết quả Cadasa thắng thầu sau khi vượt qua một doanh nghiệp nước ngoài.
“Khi tiếp nhận dự án từ tháng 12-2005, chúng tôi rất lo vì hầu như các biệt thự đều bị hư hại rất nặng” – ông Nguyễn Thế Hùng, tổng giám đốc Cadasa TP.HCM, kể. Những gì tháo dỡ được như cửa kính, bồn rửa mặt, bồn tắm… đều mất sạch. Ngay cả đôi chim bồ câu bằng sứ trắng trên mái biệt thư số 25 cũng “bay mất”…
Nỗi lo của ông Hùng cũng là hoài nghi của nhiều người dân Đà Lạt sau những dự án chỉnh trang thất bại nêu trên. Nhà đầu tư mới đã khởi đầu dự án của ông bằng việc thành lập một hội đồng gồm nhiều kiến trúc sư và chuyên gia nội thất trong nước, nước ngoài để xác định quan điểm trùng tu là giữ nguyên bản sắc kiến trúc.
Paul Veysseyre (1896-1963) từng làm việc tại Paris từ 1912-1914 trong văn phòng của kiến trúc sư Georges Chedanne, người đã khuyên ông theo học Trường Mỹ thuật Paris. Sau Thế chiến 1, Paul Veysseyre bỏ học, đến năm 1921 ông được tuyển vào Công ty Brossard-Morin (cũng là công ty thiết kế chợ Bến Thành năm 1914) để sang làm việc ở Trung Quốc. Năm 1937, Veysseyre đến Sài Gòn mở văn phòng và ở lại Ðông Dương đến năm 1951. Trong thời gian đó ông thiết kế rất nhiều biệt thự, trong đó có những biệt thự dành cho các nhân vật nổi tiếng như dinh Bảo Ðại ở Ðà Lạt. Theo wikipedia.
Ông Hùng đặc biệt lưu ý trường hợp ông Phan Minh Tân, Việt kiều Pháp, chuyên đóng nội thất cho tàu du lịch ở nước ngoài. Ông Tân đã tham gia ngay từ đầu bằng cách mở xưởng tại chỗ, với dấu ấn nội thất thể hiện rõ nhất trong biệt thự 26. Tính từ tháng 4-2006 đến nay, gần 200 tỉ đồng đã được chi để giúp hiện thực hóa giấc mơ bảo tồn.
Ông Lê Phỉ nói: “Việc tu bổ phải tuân thủ kiểu dáng của từng biệt thự, từng chi tiết nhỏ, chỉ riêng nhà vệ sinh được làm mới bên trong với nhiều tiện nghi hiện đại. Ví dụ, cầu thang bên trong biệt thự 22 bị mục nát một phần, êkip phục chế phải tìm đúng loại gỗ để làm lại giống cầu thang cũ đến từng chi tiết hoa văn. Lúc đầu Cadasa muốn đập bỏ biệt thự số 15 vì quá nhỏ, lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng nhờ biệt thự này có kiểu dáng độc đáo nên êkip phục chế đã tập trung tôn tạo, đồng thời giữ nguyên thế đất thoai thoải bên dưới để tạo nên không gian kiến trúc riêng biệt trong khu bảo tồn”.
Một không gian mở
Khu resort rộng 6ha, gồm 13 biệt thự (65 phòng). Sân vườn được trồng cỏ rừng, không sử dụng cỏ ngoại nhập để tạo cảm giác những lối đi tự nhiên trong rừng. Phòng ngủ lớn của các biệt thự đều có lò sưởi riêng và nhìn ra sân vườn. Vài biệt thự đã đón khách từ một năm nay, trong đó có không ít người nước ngoài, như vợ chồng ông William Smith, chuyên gia của Quỹ Ford Foundation ở Đông Nam Á. Biệt thự 22 có tầng trệt được cải tạo thành hầm rượu vang; biệt thự 16 có ống khói lò sưởi nối dài với phần mái tạo thành một kiến trúc rất độc đáo.
Ý nghĩa trùng tu khu biệt thự này, theo lời ông Hùng, là giúp trả lại những gì thuộc về di sản của Đà Lạt. “Khi biết tôi lao vào dự án này, nhiều bạn bè khuyên dừng lại vì sẽ khó đạt hiệu quả kinh tế. Nhưng nay tôi đã đạt được mục tiêu phục hồi bảo tồn với thời gian từ hai năm lên ba năm rưỡi, vì những phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện” – ông Hùng nhấn mạnh.
Nếu như khu biệt thự Lê Lai do Tập đoàn Ana Mandara khai thác trong một khu vực được che chắn mọi tầm nhìn từ bên ngoài, khu biệt thự Cadasa là một không gian mở đúng nghĩa. Ông Hùng cho biết cựu tổng giám đốc khách sạn Sofitel Palace, ông Antoine Sirot, đánh giá cao việc xóa bỏ hàng rào giữa các biệt thự, tạo nên sự xuyên suốt cho cả quần thể kiến trúc này. Năm ngoái, một người Pháp hậu duệ của chủ biệt thự 20 – có lẽ thuộc thế hệ thứ tư – đã quay lại thăm và trầm trồ trước kết quả phục chế căn nhà tốt như vậy.
Sau khi trùng tu, bài toán còn lại đối với khu biệt thự Cadasa là kinh doanh. Về điểm này, nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nguyễn Thế Hùng lại nghĩ đến việc tổ chức những hội thảo khoa học chuyên ngành mang tầm khu vực và quốc tế tại khu biệt thự cổ hơn là chuyện nghỉ dưỡng thuần túy. Còn với nhiều cư dân Đà Lạt và du khách yêu thành phố này, được ngắm nhìn và đi giữa một không gian kiến trúc không còn chút dấu vết tàn phá nào của thời gian và con người quả là một cảm giác khó nói thành lời!
Trích trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần (ngày 3 – 01 – 2010)