Nghĩ đến ngày 20.8 này, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Không biết là đến ngày đó tôi có về được không? Tôi cố gắng tìm mọi cách thu xếp công việc để về, ngày hội trường như một sự réo gọi trong tôi. Mấy tuần trước mấy anh ở Quảng Ngãi vào, Anh Vịnh, anh Oai, anh Tường lo chạy đôn, chạy đáo để lo tờ báo mừng ngày hội trường. Được gặp gỡ, được nói chuyện với các anh, tôi thấy mình như đang sống trong không khí nô nức, chuẩn bị để đón ngày vui lớn lao này. Dù lâu ngày mới gặp và có người tôi mới gặp lần đầu mà sao tôi cảm thấy thân thiết vô cùng, anh em nói chuyện với nhau như đã thân quen từ thưở nào, có lẽ là xuất phát từ tình cảm của những người đồng môn. Mãi mãi tôi vẫn là học sinh của trường Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi. Dù đã hơn 20 năm rồi, mà sao tôi vẫn thấy thật gần gũi, thật thân thiết vô cùng. Tôi ao ước được về thăm ngôi trường xưa, được đi trên những hành lang, được vào các phòng học cũ, được nhìn ngắm những tán lá xanh rợp bóng trong sân trường, để lắng nghe những âm vang của những ngày niên thiếu. Những dòng phấn lóc cóc, những tiếng giảng bài thân quen của ngày xưa vẫn còn vang vọng và đọng lại rất sâu trong tâm hồn tôi và chính ở đây, ở ngôi trường này, đã cho tôi một hành trang để đi vào cuộc đời, mãi mãi và bất tận ….
Tôi nhớ đến một câu nói: “ cho dù anh có là gì đi chăng nữa thì khi đứng trước người mẹ anh cũng chỉ là một đứa trẻ thơ mà thôi”. Tôi đã có cảm tưởng như vậy khi nghĩ về ngôi trường cũ – người mẹ vĩ đại của tôi – tôi tự thấy mình nhỏ bé vô cùng khi nghĩ đến một di sản tinh thần mà tôi đã được đắm mình trong đó cả một thời niên thiếu. Bất giác tôi nghĩ đến những bậc thầy khả kính mà tôi đã được học hỏi trong đời. Thầy Thái Đức Nhuận, Thầy Dương Sạn, Thầy Trương Chứng, Cô Tô Hồng Vân, Cô Vân Nghê, Cô Minh Nguyệt …. Nhớ mãi những ngày còn học ở lớp 8, Thầy Trương Chứng đã giảng cho chúng tôi nghe bài : Người phu xe, hình ảnh một người phu còng lưng kéo xe cho quan thầy người Pháp ngồi chễm chệ, hình ảnh của một người nô lệ trong cái nhục mất nước cứ mãi ám ảnh trong tôi từ đó, hay lần đầu tiên tôi được nghe bài thơ “ Làng tôi” của Tế Hanh do Thầy Dương Sạn giảng và diễn ngâm.
“ Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nữa ngày sông …”
Chính thầy đã thổi vào tâm hồn tôi tình yêu quê hương mà cụ thể là một miền quê Quảng Ngãi nghèo nàn với bao người dân suốt đời lam lũ, mùa đông giá rét cũng chỉ có manh áo cánh phong phanh đi làm cỏ lúa, hoặc những đứa trẻ chỉ biết chăn trâu, chăn bò và không được đến trường … và chính những tình cảm đó đã thôi thúc tôi trong suốt thời niên thiếu phải học, học để làm được điều gì đó cho quê hương mình sau này. Những ngày cuối cùng của lớp chín để chuẩn bị vào lớp mười, trong buổi chia tay cuối cùng thầy Nhuận đã nói với chúng tôi : “ Các con đã lớn, thầy không còn dạy các con được nữa, thầy mong các con cố gắng học giỏi để làm được nhiều việc cho đời, sau này”. và suốt đời tôi đã nhớ mãi những lời căn dặn đó. Thầy ơi, con vẫn không bao giờ quên những lời dạy của Thầy. Suốt đời con sẽ sống mãi trong những tình cảm trìu mến và những hoài bão mà các thầy đã dành cho chúng con.
Những năm tháng xa trường, lúc nào tôi cũng hướng về trường cũ, nhớ mãi những hình ảnh thương yêu, những lời giáo huấn của các vị thầy khả kính, những kiến thức mà tôi đã thu nhận được đã nuôi lớn tâm hồn và trí tuệ của tôi. Trong những lúc còn học đại học, tôi luôn luôn nghĩ tôi là một học sinh của trường Trung học Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, phải cố gắng học vì phẩm giá của nhà trường, để luôn xứng đáng với truyền thống của trường. Đến khi ra đời làm việc tôi vẫn luôn tự hào tôi là một học sinh của trường Trần Quốc Tuấn và tôi thấy tôi cứ phải sống tốt hơn, phải làm việc tốt hơn cho đời để vươn tới những giá trị chân chính mà tôi đã từng được cưu mang, ấp ủ trong những ngày niên thiếu từ trên ghế nhà trường. Mãi mãi lúc nào cũng in đậm trong tôi những ánh mắt, những khuôn mặt đầy tình yêu thương của thầy cô và tôi cứ thấy mình nhỏ bé trong tất cả những cái gì lớn lao quí giá mà các thầy cô đã truyền thụ cho tôi.
Tôi đã chọn nghề dạy học và suốt đời tự nguyện sẽ hiến dâng cho lý tưởng nghề nghiệp này cũng chính từ những hình ảnh cao quí của thầy tôi. Tôi dạy toán với quan niệm sẽ đem đến cho người học những khả năng tư duy mạnh mẽ qua những suy luận logic của toán học. Và với lòng mong muốn như một khát vọng là nhờ vào những khả năng tư duy và tri thức toán học, học trò của tôi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn về ý chí và phong phú hơn về tâm hồn, dám nhìn cuộc đời theo cách riêng của mình, họ sẽ có đủ bản lãnh để dấn thân vào những nơi cam go nhất, biết khai phá những con đường mới và hướng đến nhũng giá trị nhân bản nhất. Đó cũng chính là tình yêu nhân dân, đất nước mình mà các thầy đã vun quén, bồi đắp cho tôi.
Và suốt đời, mỗi khi nghĩ đến ngôi trường thân yêu, đến những bậc thầy khả kính tôi cứ thấy mình vẫn chỉ là một chú học trò nhỏ ….
Tôi sẽ mãi mãi và không bao giờ dừng lại trong cuộc hành trình bất tận đó.